Sẵn sàng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Đây là dự định của không ít trường trước những thay đổi có thể xảy ra.

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo cho biết, dự kiến hôm nay, 22/4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ họp Hội đồng tuyển sinh để có những phương án điều chỉnh phù hợp cho việc tuyển sinh đại học năm 2020.

Tuy nhiên, ông cho rằng, các trường hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.

“Kết quả điểm của thí sinh vẫn cùng mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng. Việc các trường tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề”, ông nói.

Do đó, theo ông Triệu, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra như phương án của Bộ GD-ĐT dự kiến, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ không tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ giữ ổn định như những năm trước.

Theo dự kiến trước đây, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) vẫn tuyển sinh theo 4 phương thức cũ đã công bố. Trong đó, việc xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước chiếm tới 40% chỉ tiêu và 60% chỉ tiêu còn lại dành cho 3 phương thức khác.

Tuy nhiên, trước những thông tin mới về thi cử mà Bộ GD-ĐT đưa ra ngày hôm qua (21/4), ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông nhà trường, cho hay khi có thông báo chính thức kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và có quy chế tuyển sinh năm 2020, trường sẽ thay đổi đề án tuyển sinh. Việc thay đổi phương thức tuyển sinh này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới học sinh, thí sinh.

{keywords}
Nhiều trường đại học dự kiến điều chỉnh phương án tuyến sinh

“Cụ thể, trường sẽ điều chỉnh và dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển và đặc biệt là xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đồng thời sẽ giảm tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020” - ông Quán cho hay.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng sẽ điều chỉnh phương án khi kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp. Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh của trường, năm nay trường không kịp kết hợp thi chung với các trường khác và nếu muốn kết hợp phải từ một đến vài năm nữa. Vì vậy, phương án tuyển sinh của trường sẽ thay đổi là lấy 10% chỉ tiêu từ kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, 40% chỉ tiêu từ xét tuyển theo học bạ lớp 12 năm học 2019-2020 và 50% chỉ tiêu lấy từ điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trước mắt, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn sẽ giữ năm 5 phương thức xét tuyển là xét theo kết quả thi THPT quốc gia 2020 từ 50% - 72% tổng chỉ tiêu; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 15% đến 25% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT khoảng 3% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển theo kết quả kỳ đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ 10% đến 50% tổng chỉ tiêu; xét tuyển thí sinh là người nước ngoài hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông nước ngoài khoảng 1% tổng chỉ tiêu.

Tuy nhiên do kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp, thì trường sẽ điều chỉnh sử dụng kết quả thi THPT kết hợp với điểm học bạ.

Theo ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp nhưng rõ ràng vẫn có sự đánh giá kết quả học tập của học sinh và vẫn là một cơ sở tốt để tuyển sinh vào ĐH. Một số trường có nhu cầu tuyển học sinh xuất sắc có thể gặp chút khó khăn, bởi khi mục tiêu thi THPT thay đổi thì độ phân loại học sinh cũng ảnh hưởng theo. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn đang tính toán để sẵn sàng các phương án tốt nhất.

Vẫn mong có "3 chung rút gọn" hoặc thi theo nhóm trường

Một số trường đại học khác lại chia sẻ dự kiến những phương án khác để tuyển sinh, khi họ cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ không phù hợp với mục tiêu tuyển sinh của nhà trường.

Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết hiện tại nhà trường cũng đã xây dựng các phương án tuyển sinh theo các kịch bản khác nhau cho kỳ tuyển sinh đại học năm nay và đang phải tính toán kỹ cẩn trọng. Mục tiêu quan trọng nhất nhà trường đặt ra không phải để tuyển đủ chỉ tiêu mà là tuyển được những thí sinh có chất lượng nhất.

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (Ảnh: Phạm Hải)

Ông kỳ vọng, trong trường hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giao cho các tỉnh chủ trì, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu tổ chức kỳ thi “3 chung rút gọn” để các trường đại học tuyển sinh. Theo đó, “rút gọn” được hiểu theo hướng sẽ không tổ chức các môn thi theo khối thi A, B, C, D... mà có thể chỉ tổ chức 1 đợt với số môn thi rút gọn xuống còn 5-6 môn.

Các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để xác định các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo của trường mình. Cùng với đó, vẫn phải duy trì các “nhóm xét tuyển” như những năm trước để “lọc ảo”.

Một giải pháp khác cho bối cảnh hiện nay được nhà trường đề xuất là các trường có cùng khối ngành đào tạo hoặc cùng tổ hợp xét tuyển của những năm trước có thể hợp tác với nhau để tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung. “Nếu như vậy, Bộ nên có chủ trương chính thức thì các trường mới có thể quyết định được”.

Trường ĐH Thương mại không tính tới việc sẽ tổ chức một kỳ thi riêng vì như vậy sẽ có nhiều hệ lụy nếu lựa chọn hướng đi này như chi phí lớn, mức độ rủi ro về kỹ thuật hay tính bảo mật lại cao…

“Do đó, rất có thể nhà trường sẽ lấy kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, cùng với đó sẽ xác định một số tiêu chí phụ để bổ sung cho xét tuyển”, ông Sơn cho hay.

Gần một tuần trước, Trường ĐH Ngoại thương đã thông qua phương án, nếu kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được tổ chức, trường sẽ giữ nguyên 4 phương thức xét tuyển như năm ngoài. Trong trường hợp Chính phủ quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Trường ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như bài thi của kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết nhà trường đang chờ văn bản chính thức từ Bộ GD-ĐT để cân nhắc việc có tổ chức kỳ thi riêng hay không.

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kỳ thi THPT năm 2020 nếu được tổ chức chỉ để xét tốt nghiệp, trường sẽ tập trung điều chỉnh chỉ tiêu cho 3 phương thức xét tuyển mà trường đã công bố. Cụ thể là xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá năng lực do trường từ tổ chức và xét tuyển điểm học bạ. Đặc biệt, sẽ tăng thêm chỉ tiêu cho kỳ thi đánh giá năng lực của trường và xét tuyển học bạ.

“Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường sẽ đợi thông tin chính thức từ Bộ về môn thi và cấu trúc đề thi để quyết định xem có sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, nhưng có nhiều khả năng sẽ không sử dụng” - bà Dung nói.

Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhận định tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cho thấy rõ mục tiêu. Do đó, khả năng các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển đại học sẽ rất thấp vì bản chất kỳ thi này khác với kỳ thi THPT quốc gia trước đây.

Những năm trước, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chủ yếu xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia và theo ông Lý, trước sự thay đổi của năm nay, hội đồng tuyển sinh nhà trường chuẩn bị họp để đưa ra phương án cụ thể cho kỳ tuyển sinh.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết chiều thứ 6 ngày 24/4, Hội đồng hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe sẽ họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tổ chức một kỳ thi chung.

Theo ông Xuân, mong muốn của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là các trường khối ngành sức khỏe sẽ tổ chức một kỳ thi chung. Việc thi này được tổ chức ở nhiều cụm khác nhau và các trường lấy điểm để xét tuyển giống như trước đây từng làm với các kỳ thi do Bộ GD-ĐT chủ trì. Thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng trước, sau đó tham gia dự thi và xét tuyển.

Còn trong trường hợp kỳ thi chung không được tổ chức, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch hiện đang làm phần mềm tích hợp để tính phương án tuyển sinh.

Trao đổi với VietNamNet, ông Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe, cho hay trong cuộc họp, các phương án tuyển sinh sẽ được đưa ra để thảo luận và bàn bạc.

Theo ông Văn, yêu cầu tuyển sinh các trường khối ngành sức khỏe có đặc thù so với các ngành khác. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là tự chủ trong tuyển sinh, do vậy, các trường sẽ triển khai trong khi thời gian không nhiều nhưng phải đảm bảo đầu vào có thể chấp nhận được.

Về tổ chức một kỳ thi chung, theo ông Văn đây là một trong những phương án mà Hội đồng sẽ thảo luận. Tuy nhiên, điều khó khăn với các trường nếu thực hiện là thời gian chuẩn bị sẽ rất gấp gáp.

Ngày 22/4, Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQG Hà Nội đã họp bàn và công bố chính thức về phương án tuyển sinh đại học năm 2020.

Theo đó, phương án gồm: Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ GD-ĐT và ĐHQG Hà Nội;  Xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và xét tuyển hồ sơ thí sinh.
Bài thi của ĐHQG Hà Nội kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm:  Toán (90 phút), Bài viết luận (60 phút), Ngoại ngữ (60 phút), Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (60 phút).

Thời gian dự kiến tổ chức thi vào cuối tháng 7, trước kỳ thi THPT.

Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy theo thang điểm 100. Các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN sử dụng kết quả 3 hoặc 4 hợp phần thi để xét tuyển vào các ngành đào tạo.

ĐH này chỉ tổ chức thi trên địa bàn Hà Nội và phối hợp với các trường đại học công tác ra đề thi, chấm thi và xét tuyển đại học chính quy.

Lê Huyền - Thúy Nga

Năm 2020 dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

Năm 2020 dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

Thay vào đó, sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này diễn ra trong 1,5 ngày; kết quả được lấy để xét tốt nghiệp và có thể dùng cho tuyển sinh ĐH, CĐ.