Giống như hầu hết các học sinh phổ thông khác, Xu Yuting (18 tuổi) sẽ phải đối mặt với kỳ thi đại học vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dịch cúm diễn ra ngay dịp Tết Nguyên đán đã khiến em và các bạn không thể đến lớp.
Trường học đóng cửa, thay vì chấp nhận “thụt lại phía sau”, Xu Yuting quyết định tham gia vào chương trình học trực tuyến. Đây cũng là chiến dịch dạy và học trực tuyến lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
“Hiện tại, giáo viên không còn cách nào khác ngoài việc tiếp cận với giáo dục trực tuyến”.
Cô giáo Janeie Xie (24 tuổi) sống tại Thành Đô cho biết: “Hiện tại, giáo viên không còn cách nào khác ngoài việc tiếp cận với giáo dục trực tuyến”. Cô và các đồng nghiệp đang cố gắng học các kỹ năng mới như nói tự tin trước máy quay, sử dụng các phần mềm kỹ thuật số để thuyết trình và thu hút học sinh bằng việc bình luận trực tuyến.
Tuần trước, ngôi trường nơi cô đang theo dạy đã bắt đầu hướng dẫn giáo viên dạy trực tuyến bằng phần mềm DingTalk. “Tuy nhiên, các giáo viên lớn tuổi không dễ dàng tiếp cận được do không sử dụng thiết bị công nghệ thường xuyên mặc dù đã trải qua buổi huấn luyện”, cô giáo Xie cho biết.
Chính quyền Trung Quốc vẫn đang cố gắng kêu gọi mọi người ở trong nhà để ngăn dịch cúm lây lan. Tính đến thời điểm này, số người tử vong vì virus coroma đã lên đến 425 người, vượt qua đại dịch SARS vào năm 2003. Vì thế, các trường học ở Trung Quốc có thể sẽ phải hoãn học kỳ mới đến tận tháng 3.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết đã ban hành thông báo khuyến khích các trường sử dụng Internet như phương pháp giảng dạy thay thế trong mùa dịch. Bộ dự kiến sẽ ra mắt chương trình giáo dục trực tuyến quốc gia dựa trên nền tảng “công nghệ đám mây” vào ngày 17/2.
Đối với học sinh, lợi ích của việc học trực tuyến không chỉ đến bằng việc ngăn ngừa được nguy cơ lây lan của dịch cúm. Bình thường Xu Yuting sẽ phải dậy từ 5h30 sáng để đi học. Nhưng giờ đây, khi học online, em có thể ngủ thêm 2 tiếng mỗi sáng.
“Em thích các lớp học trực tuyến vì em cảm thấy được tự do nhiều hơn khi ở nhà”, Xu cho biết
“Tuy nhiên dạy và học trực tuyến vẫn còn một số nhược điểm. Nếu học ở trên lớp, em sẽ thấy có động lực học tập hơn khi nhìn các bạn xung quanh. Nếu mọi người đang chăm chỉ học tập, em cũng sẽ tập trung học hành hơn”.
Đối với giáo viên, cô giáo Xie nói: “Tại lớp học truyền thống, tôi có thể nhìn thấy học sinh đang ghi chép, đồng thời phản hồi ngay lập tức những thắc mắc của mỗi học sinh. Tuy nhiên, tôi không thể làm được điều này trên lớp học online. Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh bằng phương pháp này là rất kém”.
Tính đến ngày 2/2, đã có hơn 220 văn phòng giáo dục trên 20 tỉnh tại Trung Quốc, bao gồm 20.000 trường tiểu học, trung học và 12 triệu học sinh đã sử dụng ứng dụng tin nhắn Ding Talk do tập đoàn Alibaba xây dựng để dạy và học trực tuyến.
“Mặc dù nhà trường đã thử dạy trực tuyến vài năm trước, nhưng chưa bao giờ đạt được quy mô như bây giờ. Hầu hết học sinh của chúng tôi đều đã tham gia”, Giáo sư Zheng Jinhong, một giáo viên cấp III tại Chiết Giang cho biết.
Trường Giang (Theo SCMP)
Râm ran học trực tuyến mùa phòng dịch
- Trong thời gian học sinh không đến lớp để phòng virus corona, nhiều trường học đã tổ chức quay video bài giảng, gửi tài liệu, bài tập cho học sinh qua mạng nhằm đảm bảo tiến độ học tập.