Sáng 14/7, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội, triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: TTTT Bộ LĐ-TB&XH.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý I, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động chịu tác động nhiều nhất.

Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực có 557.000 người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động (gần 4 triệu người). Nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu.

“Thần tốc” triển khai chính sách hỗ trợ

Những tác động trên là vô cùng lớn. Điều này cho thấy vấn đề đời sống việc làm đặt ra những gánh nặng lớn trong bối cảnh hiện nay. Việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn, được dư luận đồng tình với những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Các địa phương phải "thần tốc" triển khai chính sách hỗ trợ.

Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện, cụ thể:

Về thủ tục, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã giảm thủ tục xét duyệt hỗ trợ từ 25 ngày xuống còn 5 ngày của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều thủ tục khác giảm từ 40 ngày xuống còn 7 ngày.

Điều kiện hỗ trợ, giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động; giảm điều kiện vay trả lương ngừng việc, bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp và giảm điều kiện ngừng việc xuống còn 15 ngày.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân, cần phải nêu tên phê bình. Vấn đề hỗ trợ không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tấm lòng.

"Một miếng khi đói, bằng một gói khi no", lúc đói người dân mới cần, lúc no không ai cần nữa. Chúng ta làm nhanh, làm mạnh sau đó sẽ hậu kiểm", bộ trưởng nói.

Hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM đã kịp thời linh động, thực hiện hỗ trợ cho người dân khắc phục khó khăn. Là địa phương tiên phong đầu tiên, tính đến nay đã hoàn thành thực hiện chi trả hỗ trợ cho 46% lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000đồng/người/ngày trong 30 ngày và tiếp tục chi trả đợt 2. Cam kết trong ngày mai (15/7) sẽ chi trả hỗ trợ cho toàn bộ 230.000 lao động tự do.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết HĐND thành phố ngày 25-6 đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỉ đồng, để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do.

Theo ông Tấn, gói hỗ trợ 886 tỉ đồng đang triển khai sẽ được hỗ trợ 6 nhóm đối tượng là người cách ly tập trung, với mức 80.000 đồng/người/ngày với tất cả đối tượng; hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống dịch các cấp với mức 120.000 đồng/người/ngày; người lao động hoãn hợp đồng, nghỉ không lương có khoảng 80.000 công nhân, kể cả giáo viên mẫu giáo, giáo viên trường nghề đều được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người, với kinh phí 160 tỉ đồng.

24.000 lao động thất nghiệp không đủ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng, với nguồn kinh phí 20 tỉ đồng.

"Các cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận hỗ trợ. Thành phố sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ theo Nghị quyết 68 ngay trong tháng 7 này", ông Tấn nhấn mạnh.

Tại Đà Nẵng cũng đã bắt đầu công tác hỗ trợ, dự kiến sử dụng kinh phí gần 93 tỷ đồng trợ cho gần 91.000 đối tượng gồm: 1.387 người có công (gần 1,4 tỷ đồng); 4.289 đối tượng bảo trợ xã hội (gần 4,3 tỷ đồng); 34.582 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố không còn sức lao động (trên 17 tỷ đồng); trên 29.000 lao động tự do (trên 43 tỷ đồng); 4.687 hướng dẫn viên du lịch (1,39 tỷ đồng); 256 hộ kinh doanh tại chợ đêm (768 triệu đồng).

Ngọc Linh