Những ngày này, tại công ty Nhựa Hà Nội, một đơn vị hiện thuộc Tập đoàn An Phát Holdings, không khí sản xuất đang nhộn nhịp đầy khí thế với nhiều đơn hàng mới đến từ hai hãng xe Toyota và Honda Việt Nam.
Với hãng Toyota Việt Nam, công ty Nhựa Hà Nội không còn là một đối tác xa lạ. Ngay từ năm 2013, đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp 3 chi tiết nhựa trên thân xe và cánh cửa xe cho hãng xe Nhật Bản này. Khởi động thành công đó, đến năm 2017, cú bắt tay giữa Nhựa Hà Nội và Toyota Việt Nam đã tiếp tục bền chặt hơn với số linh kiện nhựa được cung cấp là 26.
Tấm ca lăng nhựa được sản xuất tại công ty CP Nhựa Hà Nội (Tập đoàn An Phát Holdings) cung cấp cho hãng xe Toyota Việt Nam (ảnh: Phạm Huyền) |
Và dự kiến, song hành cùng chiến lược nội địa hóa của Toyota Việt Nam và việc chuyển mẫu xe Fortuner nhập Thái Lan sang lắp ráp trong nước vừa qua, Nhựa Hà Nội tới đây sẽ cung cấp khoảng 45 chi tiết nhựa cho các mẫu xe hot nhất của Toyota.
Để có được những bước đi này, đơn vị đã nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại tiên tiến.
Nhờ nền tảng đó, đơn vị cũng đã ký được hợp tác với Honda Việt Nam trong việc sẽ cung cấp 11 chi tiết nhựa cho một mẫu xe hot nhất của hãng này. Dự kiến lô chi tiết nhựa đầu tiên sẽ được bàn giao cuối năm nay.
Với nền tảng kinh nghiệm này, tháng 11/2018, Tập đoàn An Phát Holdings đã liên kết với Vinfast để thành lập công ty linh kiện nhựa Vinfast- An Phát (VAPA) với tỷ lệ vốn 50-50. Đây là một trong những doanh nghiệp cung cấp phụ tùng linh kiện cho các sản phẩm xe ô tô của Vinfast.
Hệ thống máy móc hiện đại được đầu tư trong nhà máy sản xuất linh kiện nhựa Vinfast- An Phát |
Đến nhà máy VAPA những ngày này, có thể thấy, hệ thống dây chuyền hiện đại tại đây được đầu tư mới 100% và vẫn đang tiếp tục được lắp đặt. Những lô hàng chi tiết nhựa cho xe ô tô Vinfast đầu tiên đã được xuất xưởng từ tháng 7/2019 vừa qua.
Theo tiết lộ của ông Mẫn Chí Trung, Phó TGĐ Công ty CP Nhựa Hà Nội kiêm TGĐ Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Vinfast - An Phát, giá trị đơn hàng linh kiện cho các công ty ô tô lên tới cả trăm tỷ/năm.
Nếu như trong ngành nhựa, An Phát giờ đây đang trở thành một thương hiệu mạnh tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thì trong ngành cơ khí, EMTC- Công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu cũng nổi lên là một thương hiệu lớn đang đặt những bước đi đầu tiên ở sân chơi mới này.
Công ty EMTC có nhiều kinh nghiệm sản xuất linh kiện cơ khí cho xe máy |
Đầu tháng 8 vừa qua, công ty EMTC đã ký được đơn hàng đầu tiên với hãng Honda Việt Nam để sản xuất 5 cụm chi tiết cơ khí. Đơn hàng khởi đầu với gía trị ở mức vừa phải nhưng là bước đi quan trọng cho chiến lược mới của EMTC- vươn lên trở thành doanh nghiệp vệ tinh cho ngành công nghiệp ô tô. Để có được cái bắt tay tiềm năng này, EMTC cũng phải nỗ lực nâng cao năng lực chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn ISO/TS 16949, một tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản yêu cầu.
Thậm chí, EMTC còn mạnh dạn đầu tư thêm máy kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện đại tiên tiến để đảm bảo mọi chi tiết linh kiện cung cấp tới khách hàng đạt chuẩn tuyệt đối.
Trước đó, EMTC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất cung cấp bộ dụng cụ cho hãng xe Toyota.
Trên thực tế, 20 năm qua, Nhựa Hà Nội là đơn vị đã cung cấp linh kiện lớn cho các thương hiệu xe máy Honda, các khách hàng lớn khác như Panasonic, Piagio. Tương tự, EMTC cũng đã có kinh nghiệm hơn 20 năm đã làm phụ tùng linh kiện cho xe máy và nhiều khách hàng lớn trong lĩnh vực điện, điện tử như GE….
Nhưng để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô lại là một câu chuyện khác. Khó khăn, thách thức sẽ còn rất nhiều, khi đây là một ngành rất khó tính, đòi hỏi dung lượng thị trường phải đủ lớn, tính cạnh tranh khốc liệt.
Ông Lê Xuân Hiệp, Phó Tổng giám đốc EMTC chia sẻ: “Sau 20 năm làm linh kiện ô tô và nhiều lĩnh vực khác, chúng tôi hoàn toàn tự tin là đủ năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp ô tô. Đây là lĩnh vực mới đối với chúng tôi và đang phát triển rất hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể liên kết được với các doanh nghiệp ô tô lớn trong cuộc chơi này”.
Báo cáo của Bộ Công Thương vừa qua về ngành công nghiệp hỗ trợ cũng cho thấy, hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.
Mặc dù vậy, tỷ lệ nội địa hóa cho ngành ô tô vẫn còn thấp, trung bình xe du lịch mới chỉ đạt 7-10, xe tải, xe khách đạt tỷ lệ cao hơn từ 40-55%.
Theo các DN chia sẻ, có được những bước đi thành công là một phần nhờ vào các động thái chính sách gần đây của Chính phủ, trong việc đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho DN ngành CNHT nói chung và DN ô tô. Đáng chú ý, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ trì các chương trình hợp tác thúc đẩy năng lực của các DN Việt, đang mang lại hiệu quả khá lớn như chương trình cải tiến năng suất chất lượng với sự hỗ trợ của IFC/WB, của Samsung, hay các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối tại Nhật Bản, Hàn Quốc..
Rõ ràng, những cái bắt tay của doanh nghiệp ô tô và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực. Chiến lược nội địa hóa ô tô cùng với chính sách ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong bối cảnh mới sẽ mở ra cơ hội lớn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của VN bứt phá.
Xem video phóng sự sau:
Phạm Huyền