Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018.

Lỗ 367 triệu USD, tăng 265% so với năm 2017

Đánh giá tình hình đầu tư vốn ra nước ngoài đến 31/12/2018, báo cáo của Chính phủ cho biết: Tính đến 31/12/2018 có 19 DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 114 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và lĩnh vực tài chính ngân hàng.

{keywords}
Lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 11,9 tỷ USD. Trong năm 2018, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài 194 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của 19 doanh nghiệp là 5,8 tỷ USD (đạt 48,62%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).

Số tiền còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài so với vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các dự án trên là 6,1 tỷ USD (51,39%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).

Trong năm 2018, các dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu hồi được 559 triệu USD, trong đó chiếm tỷ trọng 60% là thu hồi vốn đầu tư (333 triệu USD), 38% là lợi nhuận chuyển về nước (212 triệu USD), 2% là thu tiền lãi từ việc cho các dự án tại nước ngoài vay vốn (14 triệu USD).

Lũy kế đến ngày 31/12/2018, có 6/19 doanh nghiệp đã thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền gần 2,6 tỷ USD, bằng 45% vốn đầu tư đã thực hiện.

Năm 2018, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có 84/114 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài cả năm là 4,1 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2017.

Tổng lợi nhuận của các dự án có lãi là 187 triệu USD, giảm 24% so với năm 2017.

{keywords}
Trồng, chế biến mủ cao su lỗ do giá cao su tự nhiên thế giới sụt giảm sâu (ảnh minh họa)

Tổng số lỗ phát sinh trong năm của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD, tăng 265% so với năm 2017.

Số lỗ hàng trăm triệu USD nói trên có nguyên nhân chủ yếu do đồng nội tệ mất giá cũng như tình trạng lạm phát tại nước đầu tư (như các nước châu Phi, Trung Mỹ hoặc Đông Nam Á) và cạnh tranh gay gắt.

Lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su lỗ do giá cao su tự nhiên thế giới sụt giảm sâu và ảnh hưởng của việc các quốc gia sở tại thay đổi chính sách đầu tư, đất đai (Lào, Campuchia).

“Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan chung dẫn đến kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn chưa đạt như kỳ vọng là khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính và về kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế”, Chính phủ nhận xét.

110/855 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ

Báo cáo của Chính phủ cho hay: Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Trong đó, 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017. Trong đó chủ yếu là vốn của doanh nghiệp nhà nước là 1,3 triệu tỷ đồng.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017.

Đáng chú ý, có 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ (chiếm 13% tổng số doanh nghiệp có vốn Nhà nước). 

Nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn, báo cáo hợp nhất có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 9 nghìn tỷ đồng và 4 công ty có lỗ lũy kế là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Cà phê VN, Tổng công ty 15,...

{keywords}
Nhiều dự án đầu tư trong nước của doanh nghiệp nhà nước cũng thua lỗ nặng.

Trong số 505 DNNN nắm 100% vốn điều lệ, tổng tài sản là 2,9 triệu tỷ đồng. Còn vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2017.

Tổng doanh thu của các DNNN đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với  thực hiện năm 2017.

Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của các DNNN là 267.983 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2017, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 76% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các DNNN).

Hầu hết các công ty mẹ đều đảm bảo cân đối giữa tổng nợ phải trả với tổng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, đảm bảo đủ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng tổng tài sản.

Theo kết quả tổng hợp nêu trên, Chính phủ đánh giá: Các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của các DNNN đều có xu hướng tăng lên so với năm 2017. Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN đều đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực tài chính tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động.

Lương Bằng

4 dự án ngàn tỷ thua lỗ, đẩy quả đấm thép Vinachem vào nguy cơ

4 dự án ngàn tỷ thua lỗ, đẩy quả đấm thép Vinachem vào nguy cơ

Nếu không kể 4 dự án thua lỗ, các đơn vị còn lại của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn có lãi tới 674 tỷ đồng. Thế nhưng, 4 dự án “sa lầy” đã khiến tập đoàn này gặp khó.