Các đoàn thanh kiểm tra giảm mạnh

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2020, số doanh nghiệp đã tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra của các cơ quan như hải quan, công an kinh tế, môi trường giảm khoảng 50%, so với năm 2016.

Các cơ quan thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp nhất như an toàn phòng chống cháy nổ, thuế cũng có xu hướng giảm tỷ lệ thanh, kiểm tra. Nếu như năm 2016, có 34,4% doanh nghiệp cho biết phải đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ, năm 2020 chỉ còn 26,1%. Tương tự, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bị cơ quan thuế thanh kiểm tra là 35,5%, trong khi năm 2016 con số này ở mức 43,6%.

{keywords}
ảnh minh họa

 Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số cuộc thanh, kiểm tra bình quân năm cũng giảm dần theo thời gian.

Từ mức trung bình 2,85 cuộc/doanh nghiệp thời điểm 2016, đã giảm xuống còn 2,1 cuộc/doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp FDI phải chịu gánh nặng thanh, kiểm tra lớn hơn các doanh nghiệp khác. Thanh, kiểm tra thường xuyên nhất với các doanh nghiệp FDI năm 2020 thường là an toàn phòng cháy nổ 44%, tiếp theo là thuế 29% và kiểm toán 22%, hải quan 16%, môi trường 14% và lao động 13%.

Khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế tạo, chịu gánh nặng thanh, kiểm tra nhiều nhất. Hai lĩnh vực này cũng là nhóm doanh nghiệp phản ánh về hiện tượng thanh, kiểm tra quá mức và thanh, kiểm tra trùng lặp cao nhất.

Có thể do đây là các lĩnh vực rộng, liên quan tới nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, từ nguồn gốc xuất xứ, điều kiện kinh doanh, môi trường, cho đến tiêu chuẩn chất lượng vật tư, hàng hóa lưu thông trên thị trường…Vì vậy, nên chịu thanh kiểm tra nhiều, Báo cáo PCI nhận định.

Hoạt động thanh, kiểm tra có giảm, song vẫn là gánh nặng cho không ít doanh nghiệp. Gánh nặng thanh, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên và trùng lặp nội dung, có xu hướng gia tăng theo số năm hoạt động và quy mô của doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp có thời gian hoạt động càng lâu, quy mô càng lớn thì càng tiếp đón nhiều đoàn thanh, kiểm tra và nội dung thanh, kiểm tra cũng trùng lặp nhiều nhất.

Không những thế, hiện tượng các cán bộ dựa vào thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng vẫn diễn ra. Các doanh nghiệp hoạt động dưới 3 năm, có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phản ánh nhiều hơn về hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ thanh, kiểm tra. Còn phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu nhiều nhất trong thanh, kiểm tra là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực  xây dựng.

Đừng để gánh nặng kéo dài

Tại hội thảo: Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/3 vừa qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, một trong những gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp chính là bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần.

{keywords}
 

Theo khảo sát gần đây, gần 20% số doanh nghiệp tham gia cho biết, bị thanh, kiểm tra 2 lần/năm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng vẫn bị thanh, kiểm tra. Công tác thanh tra, kiểm tra đang tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ sợ nhất thanh, kiểm tra. Ví dụ trong trường hợp doanh nghiệp đã chia cổ tức hằng năm. Vài năm sau, cơ quan thanh tra vào cuộc, yêu cầu truy thu thuế, không biết xử lý như thế nào, ông Hiếu cho biết.

Cả nước hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, gần 20% số doanh nghiệp bị thanh kiểm tra 2 lần/năm, tính ra cũng tới 150.000 doanh nghiệp, con số này không hề nhỏ. Không những thế, thay đổi trong công tác kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu đề ra. Một số thay đổi chỉ mang tính chất cơ học, không thực chất, chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, ông Hiếu nhận xét.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều hộ kinh doanh không muốn “lên đời” thành doanh nghiệp, dù được động viên khuyến khích và tạo điều kiện, còn các doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn. Bởi gánh nặng và sự sợ hãi với hoạt động thanh, kiểm tra.

Điều tra PCI 2020 đã nhấn mạnh rằng, công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp cần phải tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhằm đảm bảo gánh nặng thanh, kiểm tra được giảm thiểu hợp lý và phân bố công bằng.

Còn theo ông Phan Chí Hiếu, cần phải đổi mới hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp. Phải coi đây là một trong những trọng tâm cải cách quản lý trong thời gian tới. Thanh, kiểm tra là giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chứ không phải là trừng phạt và triệt tiêu. Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Thanh, kiểm tra phải tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp.

Trần Thủy