Từ món quà 884 con bò sữa của lãnh tụ Fidel Castro tặng, hơn 40 năm sau, người dân Mộc Châu đã có cú bứt phá ngoạn mục. Đàn bò sữa tăng lên 32.000 con, hàng trăm tỷ phú ở nhà lầu đi xe hơi xuất hiện, không còn cảnh đói ăn và thiếu thốn.

Những con bò mang lại ấm no, hạnh phúc

Khác hẳn với hình ảnh nghèo đói, khó khăn của những xã miền núi khác, về thị trấn Nông trường Mộc Châu - một xã của tỉnh miền núi Sơn La sẽ thấy những đàn bò sữa đang say sưa gặm cỏ đẹp như tranh giữa đồng cỏ xanh mướt, thấy những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát và người dân nơi thảo nguyên xanh này bây giờ cũng không còn cưỡi ngựa, đi xe đạp mà chuyển sang đi xe máy, sắm xe hơi.

Những ngày cuối năm, dù khá bận rộn nhưng ông Trần Công Chiến - Tổng Giám đốc của Mộc Châu Milk, còn gọi là “Chiến bò”, vẫn bớt chút thời gian để đưa chúng tôi đi thăm các trang trại bò tại Nông trường Mộc Châu.

Cả cuộc đời gắn với con bò sữa, từ khi những chú bò sữa đầu tiên xuất hiện đến nay đã mấy chục năm trời, ông Chiến có biết bao kỷ niệm không thể quên với con bò trên thảo nguyên Mộc Châu này.

{keywords}
Những con bò sữa ở Thị trấn Nông trường Mộc Châu gắn bó với nhiều kỷ niệm của người dân nơi đây

Ông kể, Mộc Châu vốn là nông trường quân đội, từ năm 1958 đã bắt đầu nuôi bò lai Sind, đến năm 1963 thì mua thêm 117 con bò nữa từ Trung Quốc. Song, thời điểm bừng sáng nhất của Thị trấn Nông trường Mộc Châu là vào những năm 1974-1975, khi người dân nơi đây lần đầu biết đến con bò sữa, được tự tay vắt ra những giọt sữa mát lành, thơm ngon.

Đó là 884 chú bò sữa Canada, được chính cố lãnh tụ nổi tiếng Cu Ba Fidel Castro tặng cho nông trường trong lần đầu sang thăm Việt Nam.

“Thời ấy, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, khi lên thăm nông trường, nhìn thấy đàn bò sữa rất xúc động nói đàn bò vô cùng quý. Sau bác Đỗ Mười dặn lãnh đạo ở nông trường hãy giữ lấy giống bò này”, ông Chiến chia sẻ.

Theo ông Chiến, lúc đó, dù Cu Ba đang khó khăn nhưng lãnh tụ Fidel đã bỏ ra tới 1,5 triệu USD để mua một con bò đực giống từ hội chợ. Chuyện bất ngờ hơn là sau này có dịp đi Canada, ông Chiến mới hay Fidel Castro đã mua cả một vùng đất (có khí hậu tương đồng Việt Nam) để nuôi những con bò sữa tơ, cho chúng thích nghi trước khi chuyển giao sang Việt Nam.

Lúc bấy giờ, ngoài đàn bò quý hiếm, cố lãnh tụ Fidel còn xây tặng 10 trại bò hoàn chỉnh, 1 trại bê và những trại vắt sữa. Phía Cu Ba còn trang bị cho chúng ta những thiết bị hiện đại nhất thế giới để phục vụ quá trình chăn nuôi. Ví như, trại 9 có máy vắt sữa bò được mua từ Thụy Điển - loại máy tốt nhất thế giới; hay những trại khác cũng được lắp máy vắt sữa của Ý,...

“Có đàn bò sữa, điện, nước và đường bê tông cũng theo về Mộc Châu. Đây có thể coi là thời điểm hạnh phúc của Mộc Châu. Mọi người đều được hưởng thành quả từ những dòng sữa vắt ra. Đàn bò sữa đạt tới 2.800 con, cho sản lượng sữa 3.200 tấn", ông Chiến khoe.

{keywords}
Chăn nuôi bò sữa đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ cho người dân Mộc Châu

Cú bứt phá thời kỳ đổi mới

Thế nhưng, khi đàn bò phát triển với số lượng lớn như vậy thì nông trường Mộc Châu lại lâm cảnh khó khăn. Sữa vắt ra không biết tiêu thụ thế nào, ở đâu do không có nhà máy chế biến.

Đỉnh điểm của thời kỳ gian khó là vào những năm 1987-1988, nông trường Mộc Châu rơi vào cảnh người không có ăn, bò cũng đói, ngân hàng thì không cho vay vốn, trong khi sữa vẫn tắc đầu ra.

"Lúc ấy, lãnh đạo nông trường phải áp dụng biện pháp cấp cho mỗi cán bộ công nhân viên nông trường 1 lít sữa tươi/ngày, uống thoải mái. Năm đó cũng phải giết thịt mất 550 con bò, kéo tổng đàn bò xuống chỉ còn 1.200 con", ông Chiến tâm sự.

Thế nhưng, trong cái khó ló cái khôn. Đến cuối 1988 sang đầu năm 1989, khi không còn con đường nào khác, lãnh đạo nông trường nghĩ ra cách khoán bò cho dân, bởi họ xác định nếu cứ duy trì cách làm ăn tập thể như vậy là hỏng hết. Theo đó, 117 con bò được khoán cho 17 hộ nuôi. Thức ăn tinh, thuốc thú y,... cũng được chia đều. Nguyên tắc khoán khá đơn giản: giao sản lượng, theo kiểu đạt sản lượng từng này thì được mua với giá từng này, vượt thì được thưởng, không đủ bị phạt.

Hết 6 tháng, thấy kết quả khoán hộ rất mỹ mãn, trong một cuộc họp, người dân chủ động đề xuất triển khai khoán hộ rộng. Đến năm 1990, lãnh đạo nông trường Mộc Châu đã ra một quyết định lịch sử, đó là xây dựng phương án khoán hộ rồi bắt tay thực hiện ngay.

"Việc khoán hộ chính là dấu mốc đánh dấu cho thời kỳ bắt đầu phát triển trở lại của đàn bò sữa ở Mộc Châu", ông Chiến hào hứng. Sau khi khoán hộ, sữa làm ra cũng chỉ bán dưới dạng sữa nguyên liệu cho Vinamilk với mức giá rất thấp, người dân không lãi mấy, thậm chí có thời điểm còn lỗ chổng vó. Song, họ vẫn hạnh phúc vì sữa được thu mua hết, không còn cảnh phải đổ sữa cho lợn ăn như trước.

Một thời gian sau, nông dân ở Nông trường Mộc Châu thực sự đổi đời khi nhà máy chế biến sữa chính thức hoạt động năm 2005, dù mới sơ khai chế biến theo kiểu bánh sữa gói trong giấy gói xi măng. Nhưng theo ông Chiến, điều đó cũng đủ để giúp người dân chăn nuôi bò thoát cảnh bán sữa nguyên liệu với giá rẻ, bắt đầu có thu nhập ổn định.

Đến nay, chứng kiến sự phát triển của bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu, với những trang trại khang trang, bề thế, hàng trăm con bò đang cho sữa, ông Chiến tự hào rằng, ở đây không còn cảnh người dân vắt sữa bò bằng tay mà tất cả đều bằng máy, hay máy cắt cỏ, thái cỏ đã thay thế cho sức người,... Thậm chí, trong quá trình nuôi, người chăn nuôi còn được đi châu Á, châu Âu, đi Mỹ để học phong cách, học ý thức và quan trọng hơn là học ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi.

"Năm 1991, tôi sang Thái Lan thấy mỗi nhà đều có xe máy chở sữa đi bán, tôi chỉ ao ước người nuôi bò sữa ở Mộc Châu có được cái xe máy. Đến năm 2017, tất cả các hộ ở đây đã có xe máy. Sau đó, tôi mong ước họ có ô tô thì giờ cũng có hàng trăm cái ô tô", ông Chiến tự hào kể.

Ông khẳng định, Mộc Châu có được như ngày hôm nay tất cả là nhờ vào niềm tin, vào sự tin tưởng lẫn nhau để đưa nông trường vượt qua khó khăn, biến đàn bò từ món quà 884 con bò của lãnh tụ Fidel Castro thành 32.000 con, biến đói nghèo của người dân thành sự sung túc, giàu sang với tiền tỷ trong tay. Người nông dân chăn bò giờ ở nhà lầu, “cưỡi” xe hơi, xe máy chở sữa đi bán hàng ngày.

Bảo Hân - Kim Duyên