Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn 10 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hết tháng 3, tình hình mua sắm cổ phần doanh nghiệp Việt vô cùng nhộn nhịp. Nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc có nhiều dự án mua sắm doanh nghiệp Việt nhiều nhất thời gian qua.

Cụ thể, 3 tháng qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc có hơn 211 lượt dự án mua cổ phần doanh nghiệp Việt với vốn hơn 110 triệu USD. Số vốn bình quân góp vốn mua của Hàn Quốc tại Việt Nam là 12 tỷ đồng/lượt.

{keywords}
Trung Quốc, Hàn Quốc đổ tiền lớn vào mua bán doanh nghiệp Việt, nhóm doanh nghiệp lớn tại Việt Nam lại đổ tiền kinh doanh ở Mỹ (Ảnh minh họa).

Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2 trong số các dự án góp vốn mua cổ phần với hơn 103 lượt góp vốn, vốn hơn 32,7 triệu USD. Số vốn bình quân là hơn 7,3 tỷ đồng/lượt góp vốn.

Hai nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hiện nay là Nhật Bản và Singapore có số dự án mua cổ phần doanh nghiệp Việt khá ít ỏi nhưng số tiền bỏ ra mỗi dự án rất lớn. Cụ thể, Singapore là 61 dự án, tổng vốn 188,5 triệu USD, số vốn/dự án hơn 71 tỷ đồng; Nhật Bản có hơn 53 dự án với tổng vốn 59,8 triệu USD, số vốn bình quân hơn 26 tỷ đồng.

Số lượt dự án góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc dù nhiều song bị phân mảnh, giá trị thấp. Điều này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp Hàn, Trung Quốc chỉ tham gia vốn nhỏ, tìm hiểu thị trường. Không có quá nhiều nhà đầu tư lớn, đầu tư vào trực tiếp triển khai dự án, doanh nghiệp.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 10,1 tỷ USD. Trong đó, Singapore có vốn lớn nhất gần 4,6 tỷ USD, Nhật Bản hơn 2 tỷ USD, Hàn Quốc gần 1,2 tỷ USD và Trung Quốc là 963 triệu USD. Trung Quốc đại lục lọt nhóm 4 đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam 3 tháng qua.

Hết 3 tháng đầu năm, Việt Nam có 5 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 2 dự án điện quy mô lớn của Singapore và Nhật Bản. Riêng vốn dự án đầu tư nhiệt điện LNG Long An I và II của Singapore có số vốn trên 3,1 tỷ đồng. Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn trên 1,3 tỷ USD.

Các dự án của Hàn Quốc tại Hải Phòng, dự án chế tạo lốp xe của Trung Quốc tại Tây Ninh hay dự án sản xuất, gia công máy tính bảng, máy tính xách tay tại Bắc Giang của Singapore đều đạt trên 300 triệu USD.

Doanh nghiệp Việt tăng đầu tư ra nước ngoài

Về đầu tư ra nước ngoài, theo thông tin của Bộ KH&ĐT, hết 4 tháng, doanh nghiệp Việt bỏ hơn 545 triệu USD đầu tư ra nước ngoài, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhà đầu tư Việt Nam quan tâm 10 lĩnh vực. Trong đó, khoa học, công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu USD, chiếm 27,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ...

Trong 4 tháng qua, Mỹ là đối tác đầu tư lớn nhất của nhà đầu tư Việt Nam với hơn 300 triệu USD, chiếm trên 55% tổng vốn. Đứng thứ 2 là Campuchia với gần 90 triệu USD, tiếp sau là Pháp, Canada, Đức, Hà Lan.

Lũy kế đến 20/4, Việt Nam đã có hơn 1.400 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 21,8 tỷ USD, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng, nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 590 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2019. 

(Theo Dân Trí)