Từ bỏ giấc mơ bám phố

Khi hình ảnh cả nghìn người di chuyển trên những chiếc xe máy chở theo toàn bộ đồ đạc gia đình hướng về miền Tây xuất hiện trong đêm 1/10, người ta càng thấy rõ quyết định khăn gói rời khỏi TP.HCM của những lao động ngụ cư này. Áp lực khi thất nghiệp, áp lực duy trì sinh tồn rồi cũng khiến họ đầu hàng sau thời gian dài giãn cách.

“Chúng tôi chỉ muốn đi thẳng về quê. Xe tôi có mì tôm, sữa, xăng cũng đem theo vì không muốn ghé dọc đường làm liên lụy đến ai. Về tới tỉnh của mình chúng tôi sẽ tự cách ly. 17 ngày, 21 ngày hay một tháng không quan trọng”, một lao động nói, khi mắc kẹt tại chốt kiểm soát trong đêm.

“Sau 4 tháng, cuối cùng mọi người cũng chọn cách về quê. Đừng trách họ. Mất việc và được trợ cấp 1,5 hay 2,5 triệu, nhưng sống ở thành phố này 4 tháng đâu phải chuyện ai cũng làm được. Dù sao, quê hương sẽ nhẹ nhàng với cuộc sống, cái ăn cái mặc của mọi người”, Lương Nguyễn Hòa Thương bình luận tại diễn đàn “Tôi là dân Sài Gòn” khi thấy những hình ảnh trên.

{keywords}
Hàng nghìn lao động rời TP.HCM ngày 1/10 (ảnh: Phong Anh)

Ông Trần Việt Anh - TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, sau khi khảo sát thực tế đã phân chia thành 4 nhóm lực lượng lao động: lao động làm cho các DN FDI; lao động làm cho các DN trong khu công nghiệp; lao động làm ngoài các khu công nghiệp; lao động tự do. Cả 4 nhóm lao động đều ở trong những khu trọ có mật độ dân số cao và thường thuê phòng trọ 10m2, có thể phân chia thành 5 người làm ban ngày và 5 người làm ban đêm thay nhau ở.

Khi dịch xảy ra thì cả 10 người đều ở nhà, do vậy quy tắc 5K gần như không có. F0 bắt đầu phát sinh ngay trong khu trọ. Với môi trường sống như vậy thì cộng đồng lao động sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Họ muốn được về quê.

Ngoài ra, lao động tự do và lao động ngoài khu công nghiệp cũng không được tiếp cận thông tin cụ thể về cuộc sống trong tương lai. Chủ sử dụng lao động không thể trả lời được câu hỏi chính xác là ngày bao nhiêu sẽ được quay lại làm việc, hưởng lương bình thường. Từ đó, người lao động nhìn về quê hương, là nơi có cuộc sống an toàn hơn lúc này.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - thông tin, 5 tháng qua, số lượng lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp là trên 100.000 người. Số công nhân dừng hoạt động khoảng 500.000 người. Những người này đã có thời gian dài bám trụ tại TP nhưng hiện nhu cầu bà con xin về quê rất nhiều.

Lời giải cho bài toán đứt gãy thị trường lao động

Tại tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” do Báo Người lao động tổ chức ngày 1/10, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) - ông Vũ Trọng Bình - chỉ ra rằng, nhiều người lao động rời khỏi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai trong bối cảnh cạn kiệt và không còn thu nhập. Quay trở lại làm việc khi vẫn còn rủi ro, lao động sẽ rất đắn đo.

Chưa kể, người lao động quay về quê thời điểm cuối năm, họ sẽ ở lại quê ăn Tết chứ không quay lại trong vòng mấy tháng khi TP chưa đảm bảo mức độ an toàn về dịch bệnh. Trong khi chi phí để DN dịch chuyển lao động là rất cao, không khó nhận thấy xu hướng đứt gãy của thị trường lao động lúc này.

Theo ông Bình, đã có chính sách xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp nhưng thực tế triển khai chậm. Qua đại dịch Covid-19, điều dễ nhận ra là lao động không an cư lạc nghiệp mà luôn ở trạng thái ngụ cư. Do đó, DN thiếu lực lượng lực lao động có thể phấn đấu, an tâm ở tại địa phương.

“Cần có quỹ đất xây dựng nhà ở cho người lao động để họ yên tâm lạc nghiệp. Một người lao động thanh niên đến các TP lớn lập nghiệp thì rất đơn giản, nhưng khi họ có vợ, có chồng, có con thì còn nhiều mối lo khác”, ông Bình nêu giải pháp lâu dài nhằm giữ chân người lao động.

{keywords}
Quyết định rời bỏ thành phố của người lao động sẽ gây đứt gãy nguồn nhân lực sản xuất cho "bình thường mới" (ảnh: Phong Anh)

Cùng quan điểm, ông Trần Việt Anh cho rằng, TP nếu muốn duy trì lao động ngoại tỉnh thì cần bắt tay với DN, xây các khu nhà ở cho người lao động theo đúng chuẩn môi trường sống và an toàn sức khỏe.

Ngoài ra, trong lúc này, các DN phải thông tin thường xuyên tới người lao động, khuyến khích họ quay về. Khi quay về thì cần sự liên thông giữa các địa phương, phải mở cửa để không làm khó người lao động.

Song song đó, chính quyền và DN phối hợp giữ chân người lao động ở lại TP bằng cách cho họ những thông tin rõ ràng. Ví dụ, công nhân tiêm 1 mũi thì sẽ được tiêm 2 mũi, tiêm 2 mũi thì sẽ được đi làm bình thường. Hay, toàn bộ nhà máy đã được khử trùng hoặc có phòng y tế, trang bị bình oxy, máy đo SPO2, có xét nghiệm khi cần thiết và có tủ thuốc trị Covid-19. Những điều trên khiến lao động an tâm khi làm việc.

Nhằm giải tỏa tâm lý cho người lao động, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Việt Nam, đề xuất các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương cho phép người lao động trong khu công nghệ cao đủ điều kiện được trở về địa phương và đi làm từ nhà. Đây là nhu cầu thiết yếu và cấp bách của người lao động “3 tại chỗ”, xa nhà mấy tháng qua. Để thực hiện việc này, các DN đã lên phương án đảm bảo sản xuất an toàn theo bộ tiêu chí của TP và chuẩn bị kỹ phương án khi có F0.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định, ưu tiên số 1 vẫn là thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho công nhân. Công đoàn của DN kết nối với tổ chức công đoàn tại nơi cư trú, đảm bảo sự an toàn trong việc đưa đón công nhân quay lại TP.

Bên cạnh đó, tâm lý của công nhân sau khi về quê sẽ có sự so sánh, nhiều người chọn phương án ở lại mặc dù thu nhập có thể giảm đi nhưng bù lại được gần gũi gia đình. “Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi, để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn khi làm việc trên TP”, đại diện Tổng LĐLĐ chia sẻ.

Trần Chung

Hai lo ngại lớn trước ngày 'bình thường mới'

Hai lo ngại lớn trước ngày 'bình thường mới'

Khi các địa phương còn quản lý kinh tế với tư duy “pháo đài” thì dù TP.HCM chuyển trạng thái sang “bình thường mới” sẽ vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Thiếu lao động, đứt gãy liên kết nguyên liệu, logistic... là 2 lo ngại lớn nhất.