Đặng Lê Nguyên Vũ: Càng nhẫn nhịn, bà Thảo càng lấn lướt!

Ngay sau khi có quyết định khởi tố hình sự vụ án "Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức" tại CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên từ đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, phía Trung Nguyên đã biên thông cáo.

Thông cáo từ Trung Nguyên cho biết vì tình thương, trách nhiệm với 4 người con chung cùng một phần công lao đóng góp của bà Thảo mà trong suốt thời gian qua, cá nhân ông Vũ và Trung Nguyên luôn giữ sự im lặng, luôn ở tâm thế tự vệ trước những thông tin bịa đặt, vu khống, cùng hành vi phá hoại của bà Thảo trên các phương tiện truyền thông.

"Nhưng càng im lặng, càng nhẫn nhịn, càng lùi bước thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo càng tiếp tục lấn lướt, càng gia tăng sự tấn công nguy hiểm về pháp lý liên tục và dồn dập, gây sức ép với ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên", thông cáo từ Trung Nguyên cho biết.

{keywords}
Ông Vũ nắm toàn quyền Trung Nguyên thế nào?

Bắt đầu từ một vụ kiện ly hôn, đến nay bà Thảo và Trung Nguyên đã phát sinh tranh chấp 19 vụ kiện và số vụ kiện chưa hề dừng lại, cùng 12 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khiến Trung Nguyên gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành, sản xuất và phát triển kinh doanh.

Liên quan đến vụ án "khởi tố hình sự giả mạo tài liệu ở nhà máy ở Bình Dương", phía ông Vũ cho biết chính bà Thảo là người đã giới thiệu, ủy quyền bằng văn bản cho chính nhân viên của mình để cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu có dấu vết cắt ghép, giả mạo đến các cơ quan chức năng – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương vào năm 2011.

"Mục đích của bà Thảo là cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án nhằm gây rối, tiếp tục gây khó khăn cho Tập đoàn Trung Nguyên khi biến một vụ việc dân sự thành hình sự, đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự làm giả tài liệu tại CTCP hòa tan Trung Nguyên nhằm chiếm giữ trái phép Chi nhánh CTCP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang để tiếp tục khai thác, kinh doanh trái phép sản phẩm cà phê hòa tan nhằm hưởng lợi càng lâu càng tốt", phía ông Vũ nhận định.

Tâm thư bầu Đức: Đang nỗ lực để có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất

Bầu Đức, người đứng đầu HAGL gửi tâm thư tới cổ đông: Về kết quả hoạt động kinh doanh, do HAGL đang trong giai đoạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng nên phát sinh các khoản lỗ do chi phí chuyển đổi vườn cây và chi phí thanh lý các tài sản gắn liền với vườn cây cũ, trong khi hơn một nửa diện tích cây ăn trái đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản. Các khoản lỗ này sẽ giảm dần và HAGL sẽ nỗ lực để chuyển sang trạng thái có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất.

Đến thời điểm lập báo cáo thường niên này thì tình hình dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp và khó đoán được thời điểm kết thúc. Vì vậy, HAGL đề ra mục tiêu cho năm 2020 là duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái đang có, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trong đó, doanh thu từ bán chuối đem lại nguồn tiền chính trong ngắn hạn do thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng thu hoạch cao, giá bán ổn định. Ban lãnh đạo Công ty đã và đang chủ trương tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng chuối; bên cạnh đó, các loại cây có giá trị kinh tế cao như mít, xoài, bơ, sầu riêng... cũng đến tuổi thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu lớn.

Tại mảng cao su, Tập đoàn hiện duy trì công tác chăm sóc 31.085 ha cao su, trong đó 18.200 ha tại Lào, 1.680 ha tại Việt Nam và 11.205 ha tại Campuchia. Tập đoàn đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác.

{keywords}
BBầu Đức và bầu Thắng 

Đại gia vàng thâu tóm kim cương

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vừa chính thức tiếp quản Thế Giới Kim Cương. Thương vụ này diễn ra khá bất ngờ, đúng vào giai đoạn đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động hết sức nặng nề và tiêu cực tới thị trường vàng bạc trang sức nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Theo thông tin từ website chính thức của Thế giới Kim Cương, thương hiệu này đã có lịch sử 15 năm tại Việt Nam, là một trong 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ trang sức tại Việt Nam. Hiện công ty này có 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam và gần 1.000 cán bộ, nhân viên.

Doanh thu của Thế giới kim cương hiện ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Tại các trung tâm thương mại và siêu thị, Thế giới Kim cương thậm chí còn có doanh số áp đảo so với hai đại gia DOJI và PNJ vì thương hiệu này chỉ bán lẻ tại các trung tâm thương mại và siêu thị, không có các cửa hàng riêng biệt bên ngoài.

Sau khi thâu tóm Thế giới Kim cương với mạng lưới trên 100 cửa hàng thì DOJI đã nắm trong tay gần 200 điểm bán trên toàn quốc, thu hẹp khoảng cách với PNJ hiện có khoảng hơn 360 điểm.

Giá trị thương vụ M&A này không được tiết lộ nhưng theo các chuyên gia phỏng đoán, DOJI đã phải bỏ ra khoản vốn không hề nhỏ để thâu tóm Thế giới Kim cương.

Ông Đặng Văn Thành, Đặng Thành Tâm mua triệu cổ phiếu

Ông Đặng Văn Thành vừa báo cáo đã mua được 9.997.000 cổ phiếu SBT trong tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó. Nguyên nhân không mua đủ số cổ phiếu đăng ký do mua theo hình thức khớp lệnh nên có một số lệnh không đạt được giá như kỳ vọng trên thị trường.

Trước giao dịch này ông Đặng Văn Thành không sở hữu cổ phiếu SBT nào.

Trên thị trường cổ phiếu SBT sau khi giảm mạnh xuống xấp xỉ vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu đã tăng trở lại, và hiện giao dịch quanh mức 13.750 đồng/cổ phiếu. Tạm tính, ông Đặng Văn Thành vừa chi khoảng 130 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu trên.

{keywords}
Đặng Thành Tâm

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) thông báo đã hoàn tất mua vào 10 triệu cổ phiếu KBC đăng ký trước đó. Giao dịch thực hiện từ 6/4 đến 24/4/2020. Sau giao dịch ông Đặng Thành Tâm nâng lượng sở hữu tại Kinh Bắc City lên 85,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,15%).

Ông Đặng Thành Tâm là một trong số nhiều doanh nhân đã chi lượng lớn tiền mặt mua vào cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình đang lãnh đạo thời gian vừa qua. Ước tính, tổng số tiền ông Đặng Thành Tâm vừa chi ra lên đến xấp xỉ 120 tỷ đồng.

Hà Văn Thắm lĩnh thêm 10 năm tù

Theo bản án, từ năm 2010 đến 2014 OceanBank chi hơn 1.576 tỉ đồng tiền lãi suất ngoài hợp đồng trái quy định cho các khách hàng gửi tiền nhưng việc này đã được xử lý ở vụ án trước. Tuy nhiên, vì chi lãi ngoài nên OceanBank không còn tiền để hoàn ứng buộc bị cáo Lê Thị Thu Thủy báo cáo Hà Văn Thắm tìm cách giải quyết.

Sau đó, bị cáo Thắm chỉ đạo Thủy phối hợp với bộ phận PR, văn phòng và kế toán để hợp thức 44 hợp đồng khống với 19 đối tác trong và ngoài tập đoàn Đại Dương.

Các hợp đồng có nội dung như cung cấp thẻ gym, thuê biển quảng cáo, tổ chức hội nghị, in tờ rơi... có tổng giá trị hơn 133 tỉ đồng. Sau khi nhận thanh toán, các đối tác liền chuyển trả lại cho OceanBank số tiền hơn 84 tỉ đồng để hoàn ứng chi lãi ngoài, chi phí truyền thông, chi đối ngoại...

Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Hà Văn Thắm là người đề ra chủ trương và phân công, chỉ đạo các cấp dưới và các đối tác thuộc Tập đoàn Đại Dương phê duyệt, ký kết 44 hợp đồng khống/nâng khống, gây thiệt hại cho OceanBank số tiền 106 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Hà Văn Thắm đã bị xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong giai đoạn 1 của vụ án này đối với hành vi chi lãi ngoài hơn 65 tỉ đồng, do vậy bị cáo Thắm chỉ còn phải chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại cho OceanBank là hơn 41 tỉ đồng.

Bảo Anh