Với 150 triệu đồng, Nguyễn Đức Hiếu (22 tuổi) bước vào khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm sạch cùng mô hình "cá ngủ đông" độc đáo tại TP.HCM.

Khi chúng tôi bước vào cửa hàng cá của Nguyễn Đức Hiếu, anh đang say sưa giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Vị khách tên Mai, ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Quan sát và nghe giới thiệu về cách chế biến cá, bà đã đặt mua sản phẩm của Hiếu và cho biết sẽ là khách hàng lâu dài vì chất lượng sản phẩm.

“Đọc trên mạng Internet mới nghe tới câu chuyện của bạn trẻ này. Mình cũng là dân biển nên thực sự rất phục ý tưởng sáng tạo và cách chế biến cá sạch của bạn. Thay vì mua cá chợ, mua cá của Hiếu đắt hơn nhưng đảm bảo sạch và an tâm”, bà Mai chia sẻ.

15 phút sau, khi khách đã về, Hiếu kể lại cơ duyên đến với nghiệp kinh doanh "cá ngủ đông".

Khởi nghiệp do bị ngộ độc, bắc loa đi bán cá

Nguyễn Đức Hiếu sinh ra trong một gia đình làng biển tại Bình Thuận. Năm 2013, Hiếu khăn gói vào TP.HCM học tập.

Hiếu kể từ nhỏ, anh đã quen ăn cá. Khi đi học xa nhà, hàng tuần, người nhà lại gửi cho một thùng cá để tủ đông ăn dần. “Mới vào Sài Gòn, mình không quen với thức ăn ở đây. Thêm hoàn cảnh gia đình lúc ấy khó khăn nên ba Hiếu hàng tuần hay gửi cá vào. Cá được ba mua tại biển nên rẻ hơn rất nhiều”, chàng trai 22 tuổi chia sẻ.

Một lần nhỡ bữa, ra chợ mua cá về nấu, Hiếu bị ngộ độc. Cũng từ đó, ý tưởng về dự án khởi nghiệp được anh nung nấu.

{keywords}

Nguyễn Đức Hiếu và dự án mang cá sạch đến TP.HCM.

Tháng 10/2014, cậu bắt đầu nghiên cứu về thị trường cá ở TP.HCM. Các vấn đề từ nguồn gốc cũng như các khâu xử lý con cá khi đưa từ biển đến chợ và đến tay người tiêu dùng, công đoạn chế biến... được Hiếu nghiên cứu kỹ lưỡng.

Hai người bạn cùng quê là những cộng sự đầu tiên cùng với Hiếu khởi nghiệp dự án này. Số vốn huy động cho việc chuẩn bị dự án được gom góp từ nhiều nguồn. Tính cả vay mượn của ba mẹ, họ hàng, tổng cộng Hiếu gom được khoảng 150 triệu đồng.

“Hồi ấy, lợi thế duy nhất của mình là do bản thân ở biển nên biết được nhiều loại cá nên khi bắt đầu mình gặp không ít khó khăn. Mọi nguồn tài liệu phục vụ cho dự án hoàn toàn không có, chỉ có duy nhất một số dự án của người Nhật, nên việc tiếp cận khó khăn khi Hiếu phải mò dịch tiếng Nhật qua mạng Internet”, Hiếu cho hay.

Nhưng không vì thế mà anh bỏ cuộc. Sau suốt 6 tháng ròng từ cuối năm 2014 đến tháng 5/2015, nhóm đã nghiên cứu thành công loại “cá ngủ đông”. Mô hình này bao gồm quy trình khép kín từ khi cá biển mới vừa đánh bắt đến tận mâm cơm của người tiêu dùng.

{keywords}

Đủ các loại cá được đóng gói theo đúng quy trình để đảm bảo độ tươi ngon nhất khi lên bàn ăn.

Để dự án “cá ngủ đông” được giữ đúng với cái tên, nguyên lý và chất lượng. Nguyễn Đức Hiếu mở một nhà máy chế biến trên một hòn đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quý, cách bờ biển Phan Thiết (Bình Thuận) 121 km. Đây sẽ là nơi đón đầu những chiếc tàu cá ra khơi và thu mua luôn để đảm bảo cá vừa được đánh bắt đến nhà xưởng chưa đến 4-5 giờ đồng hồ.

Tại đây, cá được đưa vào quy trình nghiêm ngặt trong khâu sơ chế, chờ đông ở nhiệt độ âm 45 độ C trước khi được vận chuyển về TP.HCM. Ở giai đoạn này, cá như được “ngủ” tạm thời sau khi đưa đến mâm cơm của người tiêu dùng.

“Cá ngủ đông sẽ đảm bảo được độ tươi như mới đánh bắt ngoài khơi. Hạn sử dụng của sản phẩm có thể lên đến một năm, theo đúng quy trình mà chúng tôi nghiên cứu”, Hiếu cho hay.

Tuy vậy, khi mở bán sản phẩm lần đầu tiên tại TP.HCM, Hiếu kể khó khăn lớn nhất là định kiến của người Sài Gòn về cá đông lạnh. Để giải quyết định kiến đó, Hiếu đã tiếp cận người tiêu dùng bằng biện pháp khá thủ công. Anh dùng một chiếc xe máy cũ, gắn một đoạn thu âm ngắn, giới thiệu ngắn gọn về loại “cá ngủ đông” này kèm theo những cam kết về chất lượng.

Chàng trai xứ biển còn táo bạo hơn với ý tưởng sẽ trao 20 triệu đồng cho ai phát hiện được cá của công ty có urê hay hóa chất bảo quản độc hại và cam kết đổi trả 100% nếu khách không thấy hài lòng về chất lượng.

“Người ta thấy hiếu kỳ, nên kêu tụi Hiếu vào hỏi, xong mình mời khách ăn thử, sau đó xin lại số điện thoại để lấy ý kiến. Cuối cùng, phản hồi khách hàng rất tốt”, Đức Hiếu vui vẻ nói.

{keywords}

Bên trong cơ sở sản xuất của Hiếu tại đảo Phú Quý, Phan Thiết.

Tinh thần vượt mọi khó khăn

Trong 6 tháng ròng thực hiện dự án, nhóm Hiếu đã bay mất 150 triệu “trong nháy mắt”. “Lúc đó, vì bao nhiêu vốn liếng đã bỏ ra cho nghiên cứu, thử nghiệm, đi lại, vận chuyển, mở một cửa hàng… nhưng nguồn thu vào từ bán cá lại không bao nhiêu nên chỉ 6 tháng, số tiền 150 triệu ban đầu ‘bay’ mất, lúc này là thấy khá đuối”, Hiếu kể.

Nhưng sau khi tham gia một số chương trình đào tạo về khởi nghiệp, chính dự án “cá ngủ đông” độc đáo của Đức Hiếu đã may mắn là một trong tổng số nhiều dự án khởi nghiệp tại TP.HCM được nhà đầu tư chọn để rót vốn vào.

Sau khi được đầu tư, cùng với những kinh nghiệm ban đầu đã vấp ngã, Hiếu đã vận hành cửa hàng bán cá khá thành công. Hiện tại, doanh thu mỗi ngày tại cửa hàng khoảng gần 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn tiếp nối khó khăn khi hơn 3 tháng cá biển bị “tẩy chay” do ảnh hưởng từ đợt cá chết hàng loạt tại miền Trung. Khi ấy, mọi thứ tưởng chừng như đóng lại với dự án chuyên về cá biển của Đức Hiếu.

Thay vì bỏ cuộc, chàng trai lại tiếp tục tận dụng 3 tháng đó để ra hoàn thiện nhà xưởng ở đảo. Song song đó, Hiếu cũng tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của nhà đầu tư khi nguồn cá của anh khai thác không nằm trong vùng biển bị ảnh hưởng.

Sau khi trải qua 3 tháng, "sức" ăn cá của người dân TP.HCM trở lại bình thường. Ngoài bán tại cửa hàng, sản phẩm “cá ngủ đông” còn được tiêu thụ mạnh qua việc đặt hàng qua mạng hoặc điện thoại. Tuy nhiên, chàng trai xứ biển vẫn luôn hướng đến mục đích cộng đồng khi “bài toán” giá cả Hiếu vẫn luôn trăn trở.

“Hiếu luôn muốn hướng đến đối tượng khách bình dân, cho hầu hết những người nghèo, hoặc ít điều kiện được ăn cá sạch. Nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào cao, cộng thêm các chi phí nên giá cá vẫn cao hơn các loại cá bán ngoài chợ. Đó vẫn là trăn trở lớn nhất mà tôi phải tìm giải pháp trong tương lai”, Hiếu nhấn mạnh.

Hiện nay, ông chủ dự án khởi nghiệp đang có dự định đưa sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch để đặt tủ “cá ngủ đông” tại những chung cư, khu dân cư… nhằm mở rộng phạm vi của sản phẩm.

(Theo Zing)