Trong báo cáo Wealth Report 2021 được Knight Frank - công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới - công bố chiều 2/3, Việt Nam có 390 người siêu giàu (với giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2020, ít hơn 15 người so với năm trước đó.

Đáng chú ý, số người sở hữu khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam giảm từ 20.645 người xuống còn gần 19.500 người, tương đương khoảng 6%.

Mặc dù vậy, đơn vị này dự đoán 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam lọt top nhanh nhất thế giới, khoảng 31%. Dự kiến đến năm 2025, khoảng 511 người Việt sẽ sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD, cùng với đó số người có trên 1 triệu USD trong túi là 25.800 người.

Việt Nam có 390 người siêu giàu, muốn gia nhập 1% người giàu nhất chỉ cần sở hữu 3,7 tỷ đồng - Ảnh 1.

Muốn gia nhập vào nhóm 1% người giàu nhất Việt Nam, cá nhân đó cần sở hữu ít nhất 160.000 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 4,4 triệu USD.

Theo tính toán của Knight Frank, để có thể gia nhập nhóm 1% người giàu nhất Việt Nam, cá nhân đó cần sở hữu ít nhất 160.000 USD (khoảng 3,7 tỷ VND). Trong khi đó, con số này tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia là 60.000 và 540.000 USD, riêng Singapore, cá nhân phải nắm 2,9 triệu USD mới mong lọt top 1% người giàu.

Khi đã thuộc tầng lớp siêu giàu, London và New York là thành phố mà họ sẵn sàng bỏ tiền chi tiêu và chuyển đến sinh sống. Vị trí thứ 3 thuộc về thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp. Tokyo và Hong Kong là 2 thành viên cuối cùng trong top 5 những thành phố đứng đầu về sức hấp dẫn đối với những tỷ phú bậc nhất thế giới.

Việt Nam có 390 người siêu giàu, muốn gia nhập 1% người giàu nhất chỉ cần sở hữu 3,7 tỷ đồng - Ảnh 2.

The Knight Frank City Wealth Index xếp hạng thành phố hàng đầu thế giới dựa trên bốn yếu tố chính là sự giàu có, đầu tư, lối sống và tăng trưởng tương lai.

Các thành phố ở châu Âu dẫn đầu về tổng thể trong năm nay, chiếm 8 trong số 20 thành phố hàng đầu thu hút giới siêu giàu trên thế giới, phần lớn được thúc đẩy bởi thứ hạng cao về đầu tư và phong cách sống. Những thành phố ở Bắc Mỹ và châu Á lần lượt giành 7 và 5 vị trí trong danh sách.

Về sự giàu có, báo cáo cho biết New York “thống trị” các thành phố khác trên thế giới với 7.743 cá nhân có giá trị tài sản ròng vượt quá 30 triệu USD cư trú. Trong khi đó, London dẫn đầu với 874.354 triệu phú.

Ở lĩnh vực đầu tư, mặc cho những bất ổn chính trị, giới siêu giàu vẫn đến New York đầu tư kinh doanh và cư trú. Đó cũng là lý do giá bất động sản tại đây luôn ở mức cao, bởi những người siêu giàu nước ngoài tích cực gia tăng tài sản tại "Quả táo lớn".

Xét về lối sống, The Knight Frank City Wealth Index chủ yếu đo lường về số lượng và chất lượng của khách sạn, nhà hàng cũng như mức chi tiêu của du khách. 

Năm nay, ngoài các thước đo thông thường, đơn vị này còn tính thêm chỉ số về những trường đại học hàng đầu, nhà hàng được trao Michelin.. Kết quả là, London vẫn dẫn đầu danh sách, vị trí tiếp theo là Paris và New York.

(Theo Doanh Nhân Việt Nam)