Ngay trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa phúc thẩm đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng, luật sư của Phạm Công Danh đã liên tục đề nghị triệu tập Phạm Thị Trang (Trang Phố núi). Người phụ nữ này là ai, có vai trò gì trong đại án?

Theo cáo trạng và bản án sơ thẩm, trong hơn 9.000 tỉ đồng thiệt hại mà Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây ra trong đại án có 5.490 tỉ đồng liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát) và ông Trần Quí Thanh (Dr Thanh).

Cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định Phạm Công Danh đã có hành vi cố ý làm trái trong việc chỉ đạo cấp dưới chuyển 5.190 tỉ đồng ra khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản. Bị cáo cũng bị cáo buộc đã cùng thuộc cấp tự ý lập các hợp đồng thế chấp 6 sổ tiết kiệm khác của nhóm bà Bích mà không có chữ ký của chủ sổ để vay rồi rút ra 300 tỉ đồng.

{keywords}

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xử phúc thẩm

Tại tòa sơ thẩm, Phạm Công Danh khai rằng khi mới về tiếp quản ngân hàng, Phạm Thị Trang có vai trò như một Phó Tổng giám đốc nguồn vốn của ngân hàng. Do VNCB cần tiền để đảm bảo thanh khoản, Phạm Thị Trang liên hệ mời ông Trần Quí Thanh gửi tiền tại ngân hàng và cho bị cáo vay lại.

Sau khi bà Trang nghỉ, ông Danh trực tiếp đứng ra giao dịch. Các giao dịch vay tiền giữa bị cáo Danh và nhóm bà Bích dù do bị cáo hay Phạm Thị Trang thực hiện thì đều là vay tiền cho bị cáo.

Cựu chủ tịch VNCB cũng khai thực chất khoản tiền 5.490 tỉ đồng của nhóm bà Bích là khoản tiền vay mượn cá nhân giữa ông và nhóm Trần Ngọc Bích, không liên quan đến VNCB, bà Bích hoàn toàn biết sự di chuyển của dòng tiền. Bị cáo Danh cũng khai đã phải trả lãi ngoài cho nữ doanh nhân này trung bình từ 6 - 10%/tháng. Trái lại, bà Trần Ngọc Bích cho rằng không có quan hệ gì với Phạm Công Danh, bà chỉ cho Phạm Thị Trang vay tiền.

Với các tình tiết trên và chứng cứ trong hồ sơ vụ án, VKSND TP.HCM cho rằng Phạm Thị Trang là người giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh tìm kiếm khách hàng lớn cho VNCB, trong đó có nhóm Trần Ngọc Bích. Tại tòa, bà Bích cũng thừa nhận chỉ giao dịch với Phạm Thị Trang và Trang tự giới thiệu là Phó Tổng giám đốc VNCB. Ngoài ra, Phạm Thị Trang cũng là người giới thiệu công ty An Phát để Phạm Công Danh lập khống hồ sơ nâng cấp Corebanking, gây thiệt hại 63,2 tỉ đồng.

Từ đó, VKS đề nghị cần điều tra làm rõ để xử lý Phạm Thị Trang về hành vi đồng phạm trong việc "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong phần tuyên án, TAND TP.HCM đã chấp nhận đề nghị trên, ra quyết định khởi tố tại tòa đối với bà Trang.

Tại phiên tòa phúc thẩm, là người bào chữa cho ông Danh, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Phạm Thị Trang là một "mắt xích" quan trọng giúp làm rõ có hay không mối quan hệ vay mượn liên quan đến 5.490 tỉ đồng giữa Phạm Công Danh và nhóm Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh?

Ông cũng cho biết ngày 28/11/2016, TAND Cấp Cao tại TP.HCM đã có giấy triệu tập Phạm Thị Trang. Trước đó, cơ quan này cũng đã có phiếu ủy thác tư pháp hình sự gửi cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để triệu tập bà Trang đến tòa nhưng đến nay bà Trang vắng mặt.

Theo luật sư, nếu triệu tập bà Trang theo tư cách nhân chứng thì theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, nhân chứng muốn triệu tập về phải bảo đảm cho họ không bị bắt giữ, tạo điều kiện cho họ xuất cảnh. Trong văn bản ủy thác tư pháp không đề cập đến vấn đề này, luật sư đề nghị tòa kiểm tra lại việc này để triệu tập bà Trang đến tòa vì việc này rất cần thiết.

Trước đề nghị trên, trong phần phát biểu ý kiến, VKS cho biết Phạm Thị Trang đã có đơn xin xét xử vắng mặt và đã được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco chứng thực chữ ký của người này.

Như vậy, yêu cầu bà Trang có mặt tại tòa đến nay chưa thể thực hiện, Phạm Thị Trang tiếp tục vắng mặt tại phiên phúc thẩm.

M.Phượng