Trong tuần này, CEO (Giám đốc điều hành) trụ sở Hồng Kông của một trong những hãng môi giới lớn nhất Trung Quốc đã biến mất. Vài tháng trước, chủ tịch một ngân hàng lớn cũng biến mất. Một khi sếp lớn các công ty Trung Quốc biến mất, không ai có thể nói được khi nào họ sẽ được tìm thấy hay tự “tái xuất”. Có nhiều lý do, nhưng đáng chú ý là khoảng thời gian các vị sếp này “mất tích” cũng trùng hợp với thời điểm Chính phủ Trung Quốc phát động cuộc điều tra một loạt các công ty trên thị trường chứng khoán, tài chính.
“Không thể liên lạc” với trùm chứng khoán Hồng Kông
Tờ Business Insider và South China Morning Post vừa cho hay, ông Yim Fung, CEO của Tập đoàn Tài chính Hồng Kông - Guotai Junan International Holdings đã “mất tích”. Cụ thể, kể từ ngày 18-11, những nhân viên của Tập đoàn Guotai Junan International đã tìm mọi cách để liên lạc với ông Yim nhưng không thành công. Công ty đã tuyên bố với Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào ngày 23-11 rằng, ông Yim “mất tích” và “hiện không thể thực hiện nhiệm vụ của mình”. Là một trong những tập đoàn chứng khoán lớn nhất Trung Quốc, Guotai Junan buộc phải bổ nhiệm một CEO khác thay ông Yim phụ trách thị trường Hồng Kông vào sáng 23-11. Sự biến mất khó hiểu của ông Yim cũng làm cố phiếu của công ty sụt mạnh kể từ tháng 7 tới nay với mức giảm lên tới 17%.
Sự mất tích bí ẩn của hàng loạt CEO chứng khoán, tài chính Trung Quốc được cho là do dính líu đến nạn thao túng thị trường |
Ông Yim Fung từng là Chủ tịch Hiệp hội Chứng khoán Hồng Kông. Hiện ông vẫn đang giữ chức Chủ tịch danh dự ở tổ chức này. Ông Yim đã có thâm niên 20 năm trong ngành chứng khoán. Tiếng nói của ông Yim rất có trọng lượng trong các chủ đề thúc đẩy quan hệ kinh tế Hồng Kông - Thượng Hải. Theo sohu.com, nguyên nhân ông Yim “biến mất” có thể liên quan đến việc điều tra về ông Yao Gang, một Phó Chủ tịch của Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc, người đã bị bắt ngày 13-11 vừa qua về tội tham nhũng. Ông Yao là Tổng Giám đốc hãng này từ năm 1999 đến năm 2002.
“Mất tích” hàng loạt vì dính bê bối gian lận
Đầu năm nay, một tạp chí uy tín của Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Mao Xiaofeng của China Minsheng Bank không thể liên lạc được do đang trong quá trình bị điều tra. Tiếp đó, vào tháng 2, nhà băng này cho biết ông Mao đã từ chức vì lý do cá nhân. Kể từ đó, cổ phiếu Minsheng giảm 20%. Tiếp đó, ngày 17-6, CEO Poon Ho Man của công ty cho thuê máy bay China Aircraft đã viết thư xin từ chức không rõ lý do sau kỳ nghỉ phép một tháng. Tuy nhiên, truyền thông đưa tin ông có dính líu tới một cuộc điều tra nhằm vào China Southern Airlines - một trong những đối tác của công ty. Sau vụ việc, cổ phiếu công ty giảm 19% chỉ trong ngày 19-6.
Còn Chủ tịch Hanergy, Li Hejun, đã không tới dự Đại hội cổ đông hồi tháng 5, sau khi cổ phiếu công ty mất 47% chỉ sau một giờ. Cổ phiếu hãng này vẫn đang bị ngừng giao dịch và vẫn chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra. Nhiều nhà phân tích đã nghi ngờ về sự phất lên đột ngột của Hanergy, khi cổ phiếu hãng này trước đó tăng 625% năm, trước khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Nghi vấn thao túng thị trường và thổi phồng lợi nhuận được đặt ra sau khi hãng tuyên bố 60% doanh thu đến từ công ty mẹ.
Theo Hãng tin Bloomberg, giới tài chính ở Trung Quốc đang “sống trong sợ hãi” khi cơ quan chức năng tiến hành một loạt vụ bắt giữ các nhân vật cấp cao trên thị trường chứng khoán. Theo đó, đã có ít nhất là 16 quan chức, lãnh đạo và nhân viên của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư bị bắt giữ, trong đó có Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, người giữ vị trí quan trọng nhất trong các vụ IPO trên thị trường chứng khoán nước này. Các vụ bắt giữ này là một phần trong chiến dịch loại trừ các hoạt động giao dịch bất hợp pháp bị cho là đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm chóng mặt trước đó.
(Theo An ninh Thủ đô)