- Mặc dù giống ngô biến đổi gen được trồng thử nghiệm tại địa bàn Mộc Châu, tỉnh Sơn La có năng suất cao và được giá hơn hẳn nhưng không ít người nông dân vẫn lo ngại trước sự ồ ạt của ngô ngoại. Nhiều tỉnh phía Bắc chia sẻ vẫn biết ít về loại cây trồng mới này, thậm chí có tỉnh còn không mặn mà.

Giá vẫn đắt hơn ngô nhập khẩu

Là một trong các vùng trồng ngô trọng điểm, Sơn La được xem là “thủ phủ trồng ngô” với diện tích canh tác lớn nhất cả nước. Cây ngô vì thế đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Làm thế nào để cải thiện hiệu quả canh tác và tăng năng suất sản xuất ngô luôn là mối quan tâm hàng đầu của bà con nông dân trong tỉnh. 

Sau 5 tháng được chính thức cho phép thương mại hóa tại Việt Nam, ngô biến đổi gen đã được trồng ở một số vùng ở Sơn La cho thu hoạch, đạt năng suất trung bình 19 tấn/ha. Khảo sát tại tỉnh Sơn La cho thấy, bà con nông dân đánh giá cao ngô biến đổi gen bởi đặc tính vượt trội, như cải thiện nâng cao năng suất cây trồng nhờ vào khả năng kháng sâu, bệnh hại, bảo vệ môi trường nhờ giảm thuốc trừ sâu,...

{keywords}
Ngô biến đôi gen được trồng thử nghiệm 

Ông Phan Văn Chi ở tiểu khu 9, xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La) cho biết, vụ năm nay lần đầu tiên ông trồng thử 2ha giống ngô biến đổi gen. So với giống ngô thường, mặc dù giá thành hạt giống cao hơn nhưng tính về hiệu quả sản xuất, ngô biến đổi gen lại có năng suất cao hơn. 

Với 2ha, ông thu hoạch trung bình 19 tấn, nếu quy tỉ lệ hạt sấy khô là 57% thì vẫn đạt khoảng 10 tấn hạt khô/ha. Lợi nhuận tăng thêm 8 triệu so với trồng ngô lai thường. Giá giống ngô biến đổi gen bán tới tay người nông dân là 210.000 đồng/kg, đắt gấp đôi giống ngô lai thường.

Ông Phan Văn Chuyển, thị trấn Tân Lập, Mộc Châu chia sẻ, giống ngô Dekalb có thêm công nghệ kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ giúp giảm hẳn tiền thuê và công lao động trong khi năng suất tăng từ 10,1 tấn lên đến 12,5 tấn hạt tươi/ ha. Ngô thương phẩm đẹp và chất lượng cao hơn nên khi người ta thu mua giá cao hơn. 

Mặc dù năng suất nhưng theo ý kiến của nhiều nông dân tại Mộc Châu lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề ngô nhập ngoại. Khi nhìn lại hiện trạng canh tác ngô hiện nay, năng suất đang ở mức thấp (xếp thứ 59/66 các nước trồng ngô) giá ngô trong nước cao hơn giá ngô nhập khẩu khoảng 1.000 đồng/kg và bà con nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn

Trong 10 năm qua, tốc độ phát triển cây trồng biến đổi gen của thế giới khoảng 10%/năm, với tổng diện tích đạt 181 triệu ha. Năm 2015 Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trên thế giới trồng cây biến đổi gen. 

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 3,75 triệu tấn ngô, giá trị nhập khẩu là 856 triệu đô la Mỹ, tăng gần 42% về khối lượng và gần 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. 

Lo giá đầu vào tăng

Tính đến thời điểm này, trên cả nước có khoảng 3.000 ha trồng ngô biến đổi gen (BĐG), trong đó Công ty Syngenta có 2.500 ha (do đã được thương mại hóa 3 giống), Dekalb khoảng 400 ha (đang trong quá trình khảo nghiệm diện rộng), Pioneer 4-5 ha (khảo nghiệm diện hẹp). Mặc dù giống ngô biến đổi gen đã triển khai trồng thực tế tại nhiều nơi song nhiều cơ quan chức năng và người dân vẫn còn bỡ ngỡ trước giống mới này.

Ông Lê Hồng Nhu, Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, cho hay, nhiều quy định về cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam còn chưa đi kịp so với thực tế. Ông Nhu kể câu chuyện khi còn làm ở Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) có doanh nghiệp xin giấy cấp phép nhập cây biến đổi gen nhưng cơ quan quản lý không chấp nhận. Chỉ hai ngày sau, đơn vị xóa chữ biến đổi gen đi thì lại được cấp phép. Các sản phẩm biến đổi gen nhập vào Việt Nam rất lớn như ngô, đỗ tương,...

{keywords}
Mỗi năm VN nhập hàng triệu tấn ngô biến đổi gen

Theo ông Nhu, cây trồng biến đổi gen là một cuộc cách mạng sinh học, nếu mình không triển khai sớm sẽ không theo kịp với thế giới. 

Tương tự như vậy, đại diện ngành nông nghiệp đến từ nhiều tỉnh phía Bắc chia sẻ vẫn chưa có nhiều thông tin về loại cây trồng mới này, thậm chí có tỉnh còn không mặn mà. Ông Ma Quang Trung, Cục trường Cục Trồng Trọt, Bộ NT-PTNT, cho biết: “Việc ứng dụng ngô biến đổi gen đang là chủ đề rất được quan tâm. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta cần ứng dụng và đẩy mạnh sản xuất ngô biến đổi gen?”

Liên quan tới vấn đề giá giống ngôi, ông Ma Quang Trung cho rằng, doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận với nông dân để các công nghệ hiện đại sớm đi vào thực tiễn sản xuất.

Ông Nhu kiến nghị, các ngành chức năng cần theo dõi tiếp sau khi công nhận các sự kiện biến đổi, các doanh nghiệp xem xét về giá giống sao cho phù hợp, tránh tình trạng lệ thuộc vào giống.

Theo PGS.TS Phạm Văn Toản, việc ứng dụng ngô biến đổi gen phụ thuộc vào điều kiện của từng vùng sinh thái, từng tỉnh cụ thể. Ngô biến đổi gen chỉ là một trong nhiều giải pháp để phát triển ngành sản xuất ngô bền vững, bên cạnh đó vẫn phải có những giống khác.

D.Anh