Lâu nay, việc nông dân nuôi nhím, rắn, kỳ đà... để làm giàu là chuyện thường, nhưng nuôi chồn thì rất ít thấy, nhất là với ý muốn nuôi chồn để... bán càphê thượng hạng. Vậy mà ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), anh nông dân 37 tuổi – Hồ Duy Trung ở thôn Phú Lâm Tây đang nuôi giấc mơ ấy với đàn chồn hơn trăm con.

TIN BÀI KHÁC
Nuôi được chồn ngoài ý muốn!

Bước qua cổng nhà anh Trung, mọi người có thể ngửi thấy mùi... chồn. Chuồng nuôi chồn được bố trí xung quanh căn nhà xây theo kiểu nông thôn của anh. Ngay phía sau căn nhà là dãy 30 chuồng nuôi chồn nằm san sát. Trong mỗi ô chuồng rộng chừng 2m2, có nơi chồn đang nuôi con nhỏ, nhưng nhiều chuồng nhốt từng đôi chồn đang vào mùa sinh sản. Anh Trung rất đắc ý với cơ ngơi của mình: “Trị giá bầy chồn hương này khoảng trên 500 triệu đồng, trong đó có 50 con sinh sản (20 con đực, còn lại là cái), con nặng nhất là gần 10kg, con nhỏ nhất chừng 2kg”. Tôi hỏi: “Ý tưởng nuôi chồn bắt đầu từ đâu vậy?” Trung cười: “Vô tình gặp bí kíp thôi. Hồi trước, tui đâu nghĩ nuôi chồn “ngon” như vậy!”...

Một con chồn hương sinh sản.

Câu chuyện của anh đã diễn giải được cái duyên của anh với con chồn, một thứ duyên độc đáo hiếm gặp. Đầu năm 2007, trên đường đi làm rẫy ở huyện Minh Long (Quảng Ngãi), anh gặp mấy người đồng bào H’rê ở xã Long Mai, huyện Minh Long bán một cặp chồn hương nhỏ (một con cái, một con đực). Thấy xinh xắn, dễ thương, Trung mua cả cặp chỉ mất... 1.000 đồng. Anh nói: “Tui mua về nuôi vì thấy nó tội nghiệp. Khi mang về nhà, tui lấy sữa cho nó uống, sau đó lấy trái cây ra, cặp chồn cũng “chơi” luôn. Tui nghĩ, mấy con chồn hoang dã này nuôi được đây. Thế là tui nuôi”.

Hơn một năm sau, con chồn hương cái sinh ra được bốn con. Trung vui như mở hội, bởi với giống này, nuôi cho nó thích nghi đã là chuyện khó, vậy mà nó còn... đẻ được. Ý nghĩ loé lên trong đầu của anh Trung lúc đó là: mình nuôi chồn làm giàu thử chăng? Nghĩ là làm, anh chăm sóc chúng cẩn thận hơn.

Thời gian trôi qua, chồn của anh Trung không ngừng sinh sản, chuồng nuôi chồn luôn được anh mở rộng nhiều hơn, bài bản hơn. “Có nhiều người đến hỏi mua chồn giống, nhưng tui mới bán có sáu cặp thôi, với giá 25 triệu đồng/cặp, bởi vì tui đang dự định làm chuyện khác”. Trung ngừng nói, mắt nhìn xa như đang suy tính chuyện gì...

“Nuôi chồn dễ... ợt!”

Nhìn đàn chồn khoẻ mạnh, tôi thắc mắc: “Nuôi chồn có khó không anh, chúng ăn gì, có hay ốm đau không?” Trung nói: “Ô, nuôi chồn dễ ợt à!” Nói đoạn, anh bắt một con cá trê bỏ vào một ô có mấy mẹ con chồn mới đẻ. Con chồn mẹ chồm ra đưa hai chân giữ chặt con cá và bắt đầu cắn, nhai cá rau ráu. Trung giải thích: “Chồn hương dễ nuôi, ăn cả động vật lẫn rau củ, trái cây, do đó chi phí cũng không cao, bởi có thể lấy công làm lời, ra đồng bắt cá, trồng rau cho nó ăn. Chồn hương ăn tạp, tìm thức ăn vào ban đêm, nhưng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Một ngày cho ăn một lần vào buổi tối và rửa chuồng trại mỗi sáng”.

Tuy nhiên, khẩu phần ăn mà anh Trung nuôi chồn lâu nay là cháo nấu bằng gạo, chuối trái, vài ba hôm cho ăn thêm cá và thịt tươi để chồn sung sức sinh sản. Lúc đầu, số lượng chồn còn ít, anh Trung thường xuyên cho chúng ăn trái cây và thịt, cá tươi. Đến khi bầy chồn nhân lên nhiều, anh Trung không cho ăn kiểu đó, bởi như vậy rất tốn kém. Anh tập cho chồn ăn cơm, rồi ăn cháo. Anh nói: “Nếu không phải lúc sinh sản, mỗi ngày chỉ mất 2.000 – 3.000 đồng/con thôi. Từ khi sinh ra, đến khi sinh sản là khoảng 15 tháng”.

Theo anh Trung, cái khó nhất trong việc nuôi chồn hương là làm sao để chúng sinh sản tốt, cụ thể là phải làm chuồng cho phù hợp: xây chuồng theo từng dãy, mỗi dãy chia ra nhiều ô nhỏ, mỗi ô khoảng 1 – 2m2, cao 1,5m, mặt trước kéo lưới B40, nền láng ximăng. Anh Trung nhốt chồn đực vào ô giữa, ô hai bên là chồn cái. Khi chồn cái động đực có biểu hiện cào, cấu, kêu la… thì thả chồn đực vào và theo dõi. Trong thế giới chồn hương, từ hoang dã đến chồn nuôi, chồn đều tuân theo mẫu hệ: con cái luôn làm chủ trong đàn. Vì vậy, khi con đực thả vào mà con cái không chịu là phải... thay cho nàng một chàng khác.

Khi chồn có thai, anh Trung tách chồn đực riêng ra để chồn cái sinh đẻ. Khi chồn hương con được hai tháng tuổi, thì anh cho tách ra khỏi đàn để chồn cái tiếp tục sinh sản. “Chồn hương đẻ một năm hai lần vào mùa nắng ấm. Được cái là, nuôi chúng cũng dễ vì chồn ít bị dịch bệnh, nếu có thì chủ yếu là bệnh đường ruột. Chỉ cần dùng thuốc thú y trộn với thức ăn cho ăn là khỏi bệnh ngay”, Trung giải thích.

Anh Hồ Duy Trung cho chồn hương ăn cá.

Giấc mơ đổi đời

Từ 1.000 đồng mua cặp chồn hương cách đây bốn năm, đến nay, với 50 con chồn hương sinh sản trong chuồng, Trung đã có gần 500 triệu đồng. Đó là chưa kể 50 con chồn đang hơn năm tháng tuổi nữa, anh Trung đã có trong tay gần 700 triệu đồng. Tài sản bấy nhiêu ấy đối với một nông dân vùng trung du xã Hành Thiện là không nhỏ. Có điều, với anh Trung, tài sản ấy còn quá nhỏ một khi anh thực hiện được dự định trong tương lai gần...

“Tháng 2.2011, có người liên hệ, nhờ tui mang sáu cặp chồn giống lên Festival càphê ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tới đây, tui mới vỡ lẽ: có người chỉ có bốn con chồn thôi, họ cũng xây dựng thành thương hiệu càphê chồn, còn tui, 30 con chồn lớn và ngần ấy con chồn con nữa, lẽ nào không làm được càphê chồn?”, anh Trung nói. Ý nghĩ này của anh Trung đã được một doanh nghiệp biết được. Đó là ông Nguyễn Văn Hoàng, người đại diện công ty càphê Hiệp Đạt (huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Ông Hoàng đã theo anh Trung về tận cơ sở nuôi, sau đó, doanh nghiệp này mang khoảng 7 tạ càphê (22.000 đồng/kg) cho chồn ăn thử. Ngày đầu chỉ có bảy con chồn ăn, sau đó, cả bầy cùng ăn càphê. Sau ba đêm ăn càphê, chồn của anh Trung đã có 28kg phân hạt càphê, con có nhiều phân nhất là tám lạng. Với giá thành hiện nay, 1kg lô phân chồn ăn càphê có giá trên 1 triệu đồng, còn khi đã là thành phẩm, càphê chồn có giá 16 triệu đồng/kg.
“Hơn một tháng qua, càphê ở Tây Nguyên đã hái, doanh nghiệp cũng mang càphê về cho chồn ăn. Có điều về lâu dài, lẽ nào phụ thuộc doanh nghiệp mãi. Chỉ có càphê của mình thì giấc mơ nuôi chồn bán càphê thượng hạng mới thành công”, anh Trung nói.

Bài toán này đã thôi thúc anh Trung quyết tâm hơn, nhất là khi anh đang có trong tay 3ha đất bazan rất tốt. Ngày trước, cha của anh Trung đã trồng thử càphê, cho trái rất nhiều. Vì vậy, mấy ngày đầu tháng 12.2011, anh Trung đã chính thức xuống giống trồng càphê trên đất nhà mình ở huyện trung du Nghĩa Hành. Anh vui vẻ thông báo: “Tui đã đăng ký thương hiệu càphê chồn rồi. Đang đợi họ về kiểm tra, cấp giấy nữa là xong”. Chia tay anh Trung, tôi tin một ngày không xa, anh nông dân này sẽ thành công với giấc mơ càphê chồn của mình.

(Theo Sài Gòn tiếp thị)