Nhiều cổ phiếu bất động sản ra mắt hoành tráng nhưng cũng khiến không ít nhà đầu tư thua đau, thậm chí tán gia bại sạn vì tốc độ rớt giá khó tượng tượng. Giờ, giá một số cổ phiếu bất động sản chỉ bằng giá mớ rau, cốc trà đá.

Nửa chỉ vàng thành mớ rau, cốc trà

Khoảng 10 năm trước, giới đầu tư chứng khoán hầu hết đều biết đến cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà - Sudico. Khi lên sàn, cổ phiếu này gây chấn động, được xem là "bom tấn".

Ngay trong phiên chào sàn, SJS đã có giá 100.000 đồng/cp, là cổ phiếu bất động sản đắt nhất trên trên thị trường chứng khoán khi đó. Bởi, Sudico nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án lớn và có quỹ đất thuộc dạng khủng, hàng ngàn hecta tại Hà Nội như Nam An Khánh hay đặc biệt sang trọng như khu đô thị The Manor tại Mỹ Đình.

Cổ phiếu SJS sau đó đã tăng giá chóng mặt. Cùng với con sóng chứng khoán lịch sử năm 2007, SJS có lúc lên tới trên 700.000 đồng/cp và trở thành siêu cổ phiếu, thu hút sự thèm thuồng của rất nhiều đại gia.

{keywords}
Cổ phiếu bất động sản hút dòng tiền.

Đầu 2012, giới đầu tư chứng khoán xôn xao với thông tin một đại gia chi hơn 500 tỷ để thâu tóm một phần DN này. Đại gia này sau này được xác nhận là ông Đỗ Văn Bình, một doanh nhân trong lĩnh vực BĐS và tài chính.

Không ít người nghĩ rằng ông Bình sẽ kiếm được mòn hời lớn. Tuy nhiên, thực tế là hiện tại, giá cổ phiếu SJS rất khiêm tốn: 2x (hơn 20 ngàn đồng/cp). Có thời điểm, SJS làm ăn thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp và có lúc bị ngừng giao dịch. Giới đầu tư dường như đã quên mất sự hiện diện của ông lớn BĐS Sudico.

Rất nhiều cổ phiếu BĐS nổi đình đám một thời giờ cũng chìm vào trong bóng tối.

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của chị em nhà ông Đặng Thành Tâm một thời là ngôi sao BĐS công nghiệp. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây ITA lún sâu trong nợ nần, nằm trong danh sách đen của các ngân hàng. Giá cổ phiếu ITA giờ chỉ còn dưới 4.000 đồng/cp, bằng 1/10 so với thời kỳ đỉnh cao 2006 (tính theo giá đã điều chỉnh).

Một cổ phiếu khác là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng chìm nổi theo phận đại gia BĐS công nghiệp Đặng Thành Tâm. Từ mức giá hàng chục ngàn đồng, KBC có lúc xuống còn 5.000 đồng/cp, chỉ bằng vài phần trăm so với đỉnh cao hồi 2007.

Trước đó, giới đầu tư cũng từng xôn xao với sự xuất hiện cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DN sở hữu quỹ đất rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó cũng rơi vào tình cảnh rất bi đát, lãi thấp và bị cảnh cáo trong năm 2013. Cổ phiếu DIG hiện có giá dưới 9.000 đồng, chỉ bằng chưa tới 1/5 so với thời kỳ đỉnh cao.

{keywords}
Thị trường chứng khoán là nơi để cổ phiếu bất động sản thăng hoa.

Cổ phiếu LCG của Công ty cổ phần LICOGI 16 cũng từng mất tới 90% giá trước khi dần tăng trở lại. Không ít nhà đầu tư vỡ mộng với cổ phiếu hàng đầu trong lĩnh vực BĐS này.

Có vẻ như các nhà đầu tư cũng đã dần quên những cái tên như BCI, hay một loạt DN trong họ “Sông Đà” nổi sóng như S99, Đô thị Sông Đà (SDU),... mà giá cổ phiếu từng lên tới hàng trăm ngàn đồng, giờ hoạt động rất èo uột.

Dội sàn tỷ USD và nỗi lo mớ rau, trà đá

Phần lớn các DN có tình hình kinh doanh từ rực rỡ trở nên thê thảm chủ yếu trong lĩnh vực BĐS. Đây là điều rất đáng buồn cho các cổ đông vốn đặt kỳ vọng lớn vào các DN có nhiều đất, nhiều dự án như vậy.

Những mất mát thua lỗ vì cổ phiếu BĐS là không hề nhỏ. Tuy nhiên, dường như trong hầu hết các đợt TTCK sôi động, cổ phiếu BĐS vẫn rất hấp dẫn trong con mắt các NĐT.

Sau thời kỳ bùng nổ năm 2007-2009 và sụp đổ 2011-2013, TTCK lại chứng kiến sự ra mắt hoành tráng của hàng loạt các DN BĐS hoành tráng hơn rất nhiều, quy mô giờ không còn là “ngàn tỷ” nữa mà là một vài tỷ USD. Giá cổ phiếu cũng ở mức cao ngất ngưởng.

Ông Phan Văn Nhân, chuyên viên môi giới của một CTCK tại Sài Gòn cho rằng, nhiều cổ phiếu BSĐ trước hot nhưng giờ đây chìm nghỉm đơn giản là lợi nhuận không cải thiện nhiều. Nhiều DN thậm chí còn làm ăn bết bát và cũng có nhiều mã cổ phiếu được kỳ vọng quá cao. Trong đợt sóng 2007, rất nhiều mã cổ phiếu có giá ảo.

Cũng theo chuyên gia này, TTCK gần đây tăng trở lại với sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu BĐS “tỷ USD” không ít trong số đó dường như được định giá quá cao. Mặc dù vậy, các nhà tạo lập kiểm soát được cung cầu nên giá vẫn neo cao.

Câu chuyện DN lên sàn với cổ phiếu cao ngất rồi một vài năm sau đó lao dốc, bết bát không phải là hiếm trên TTCK Việt Nam.

Hàng loạt DN gần đây lớn lên thần tốc. Những con số tỷ đô vốn hóa, ngàn tỷ doanh thu, vài chục dự án, quỹ đất cả ngàn hecta,... thực sự là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc vận hành hoạt động của bộ máy khổng lồ, duy trì dòng tiền, lợi nhuận và cổ tức,... lại là vấn đề đáng quan tâm. Một khi DN không duy trì được thì cổ phiếu sớm muộn cũng trở về giá trị thật.

Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, sự sôi động của TTCK, nhiều cổ phiếu BĐS có lại bùng nổ. Sau chu kỳ này, khi thị trường vào thời kỳ suy thoái, rất có thể TTCK sẽ lại chứng kiến những cổ phiếu giá một vài trăm ngàn rớt giá mạnh, thậm chí còn trở về ngang mớ rau, cốc trà.

M. Hà