Ông trùm BOT” ở Việt Nam - Công ty Cổ phần Tasco (HUT) của ông Phạm Quang Dũng - vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019 với khá nhiều điểm bất ngờ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Tasco âm 13,6 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng gần 5% lên gần 320 tỷ đồng.

Trong các mảng kinh doanh, chỉ có doanh thu từ xây dựng tăng, còn doanh thu từ hoạt động thu phí trên các con đường xây dựng BOT giảm. Doanh thu từ bất động sản và các dịch vụ liên quan cũng giảm.

Theo giải trình, lý do doanh nghiệp lỗ là do chi phí tài chính tăng mạnh và Tasco còn nợ tới 7,6 ngàn tỷ đồng, tương đương 70% tổng tài sản của doanh nghiệp.

{keywords}
Tasco và BOT Mỹ Lộc.

Hoạt động kinh doanh bất động sản của Tasco cũng không thuận lợi, như vướng nhiều vấn đề thủ tục và chậm trễ tại dự án Foresa Mỹ Đình hay Dự án khu nhà ở cho báo Nhân Dân.

Vận đen bủa vây doanh nghiệp của ông Phạm Quang Dũng, ở cả 2 mảng, gồm: các dự án BOT giao thông và bất động sản. Kinh doanh không còn thuận lợi và dễ dàng như những gì mà lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn. 

Các dự án vốn là “gà đẻ trứng vàng” như thu phí tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc, giúp lợi nhuận của Tasco tăng hàng chục lần năm 2014 giờ cũng không dễ kiếm ăn như các năm trước. Trong năm 2018, BOT Mỹ Lộc có dấu hiệu lặp lại sự cố ở Tân Đệ, liên tục phải xả trạm do tài xế tập trung phản đối trạm thu phí.

Gần đây, các quỹ ngoại cũng không còn mặn mà đối với cổ phiếu HUT. Có những dấu hiệu cho thấy các quỹ bắt đầu rút ra do thua lỗ nặng nề từ những khoản đầu tư hàng chục triệu USD vào cổ phiếu này.

Trong vòng một năm qua, cổ phiếu HUT của Tasco đã giảm khoảng 50% xuống còn khoảng 3.400 đồng/cp. Nếu so với đầu 2017, cổ phiếu HUT đã giảm 70%. Đây cũng là thời điểm mà nhiều quỹ ngoại như Pyn Elite Fund hay Vinacapital đã mua vào cổ phiếu HUT.

Đầu tư và khai thác hạ tầng giao thông kèm đầu tư bất động sản từ lâu đã được xem là một lĩnh vực đầy hấp dẫn, là một cỗ máy in tiền.

Trái ngược với những đen đủi gần đây, trong vài năm trước, Tasco là một cái tên đình đám trên sàn chứng khoán, hấp dẫn hàng loạt quỹ đầu tư trong và ngoài nước như: PYN Elite Fund, Windstar Resource Limited, Vinacapital, Lucerne Enterprise Ltd, Asean Smallcap Fund, VOF,...

Tasco được biết đến như "ông trùm" trong lĩnh vực làm dự án BOT, chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí. Tasco sở hữu hàng loạt dự án BOT, BT như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hài Phòng; dự án xây dựng cải tạo nâng cấp quốc lộ 1; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc,...

{keywords}
Các dự án BOT cao tốc được xem là cỗ máy in tiền.

Việc đầu tư vào các dự án này đã đem lại cho Tasco một khoản lợi nhuận lớn. Riêng trong năm 2014, Tasco bứt phá với khoản lãi gần 260 tỷ đồng, gấp 21 lần lợi nhuận của năm 2013. Khoản lợi nhuận tăng đột biến nhờ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc đưa vào vận hành và thu phí.

Gần đây, giới đầu tư cũng giật mình với một cổ phiếu BOT khác là CTCP BOT Cầu Thái Hà (BOT) với mức tăng 400% trong vòng 1 tháng. 

Chỉ sau 1 tháng lên sàn, cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà của đại gia xây đường giao thông kín tiếng có ngay thêm ngàn tỷ đồng, tốc độ gia tăng ngang ngửa với các tỷ phú USD Việt hàng đầu trên thị trường như Trần Đình Long hay Nguyễn Đăng Quang.

Hiện cổ phiếu BOT vẫn tiếp tục xu hướng đi lên và đang ở mức 53.200 đồng/cp.

Sở dĩ cổ phiếu BOT tăng ấn tượng là do triển vọng của doanh nghiệp này với nguồn thu từ cầu Thái Hà. Cuối 2018, công ty này chính thức được Bộ GTVT cho phép chính thức thu phí cầu Thái Hà, tuyến đường nối từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Năm 2014, Công ty TNHH Tiến Đại Phát và hai doanh nghiệp khác được phê duyệt đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức BOT.

Mặc dù triển vọng được đánh giá cao, nhưng BOT Cầu Thái Hà dự tính lợi nhuận khá thấp, chỉ hơn 2 tỷ đồng cho năm 2019.

Các doanh nghiệp BOT vốn được xem là "con gà đẻ trứng vàng" nhưng gần đây đang gặp khó. Các dự án BOT bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm. Sai sót đáng chú ý nhất là thường bị phát hiện là thanh toán tiền thi công không đúng so với thực tế. Bên cạnh đó, nhiều dự án BOT đường bộ gây bức xúc trong dư luận, Quốc hội cũng đã có kế hoạch đưa BOT vào chương trình giám sát để chấn chỉnh hoạt động đầu tư này.

H. Tú