Tiền đổ dồn vào chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến dòng tiền đổ vào lớn chưa từng có, gần 52 nghìn tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên giao dịch 3/11 nhờ sức cầu rất lớn trong khi áp lực chốt lời không nhỏ.

Theo MBS, trung bình 3 phiên đầu tháng 11, đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu được trao tay trên sàn HOSE. Thanh khoản lên mức cao kỷ lục nhưng thị trường cũng chứng kiến sự cơ cấu và định hướng mới.

Tổng cộng, 130 nghìn tỷ đồng được chuyển nhượng trên 3 sàn, trong đó Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chứng kiến 100 nghìn tỷ đồng qua tay, với phần lớn đến từ các nhà đầu tư trong nước.

Chưa bao giờ dòng tiền đổ vào thị trường lớn như vậy, cao hơn cả phiên kỷ lục 20/8 khi mà diễn biến phức tạp về đại dịch Covid-19 tại TP.HCM và Hà Nội khiến tâm lý lo sợ lên cao. Áp lực bán chốt lời cùng với làn sóng bán tháo đã kéo chỉ số VN-Index mất hơn 45 điểm. Khi đó, sức cầu bắt đáy lớn giúp thanh khoản lần đầu tiên đạt ngưỡng 2 tỷ USD/phiên.

Những ngày qua, dòng tiền đổ mạnh vào khi thị trường được dự báo vẫn trong xu hướng đi lên khi Bộ Kế hoạch Đầu tư tính đến gói kích thích kinh tế quy mô lớn 800 nghìn tỷ. Trong khi đó, dòng tiền nhàn rỗi nhiều và các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức rất thấp, bất động sản chỉ sôi động ở một vài khu vực và thị trường vàng ngưng trệ, giá không tăng.

{keywords}
Chỉ số VN-Index lập đỉnh mới.

Mốc tỷ USD (hơn 23 nghìn tỷ đông) là mức thanh khoản rất cao nếu so với mức trung bình gần 6.200 tỷ đồng/phiên trong năm 2020 và khoảng 18 nghìn tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu 2021.

Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐT CTCP Chứng khoán SSI, cho biết, trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, người đân đã chuyển thêm 68.000 tỷ đồng vào đầu tư chứng khoán. Đây là con số rất lớn, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu trong nước đối với thị trường chứng khoán.

Đầu tư chứng khoán trở thành một kênh đầu tư mới ổn định và có dấu hiệu không còn là thị trường quy mô nhỏ và để cho một nhóm nhỏ lướt sóng.

Dòng tiền đổ mạnh khiến TTCK ghi nhiều kỷ lục. Chỉ số VN-Index nhiều lần kỷ lục mới, có lúc lên trên ngưỡng 1.460 điểm vào những phiên cuối tháng 10, đầu tháng 11. Dòng tiền tìm tới những cổ phiếu chưa tăng nhiều. Sàn Upcom hút dòng tiền, lần đầu tiên chứng kiến gần trăm mã tăng trần 14-15%/phiên.

Thị trường lên đỉnh, rủi ro lên cao

TTCK lên cao mang đến lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư. Nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh mặt giúp túi tiền nhiều người phình to nhanh chóng. Có những mã tăng 7 lần sau hai tháng. Nhiều cổ phiếu tăng gấp đôi gấp ba trong thời gian ngắn, mặt bằng giá cổ phiếu bất động sản tăng cao, lên ngưỡng 7x-9x, nhiều mã thậm chí lên đến vài trăm nghìn đồng.

Cuối tháng 9, cố phiếu L14 mới chỉ quanh 90.000 đồng nhưng tới phiên 2/11 đã tăng vọt lên 240.700 đồng. Cổ phiếu Triển lãm Giảng Võ (VEF) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong khoảng 1 tháng tăng từ 140.000 lên 260.000 đồng/cp. Cổ phiếu Thaiholdings (THD) của đại gia Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) cũng lên mức 235.000 đồng.

Đây đều là mức giá cao lịch sử của các mã cổ phiếu và cao nhất trên TTCK. Nhiều mã cổ phiếu của tập đoàn lớn vượt ngưỡng 100.000 đồng/cp, trong đó có một số mã bất động sản như PDR, THG, API, Đạt Phương…

Thực tế cho thấy, kỳ vọng của các nhà đầu tư vào thị trường vẫn rất lớn. Sức cầu lớn và dòng tiền nhãn rỗi vẫn dồi dào. Các công ty chứng khoán tiếp tục tăng vốn và các ngân hàng cũng gia tăng quy mô hoạt động. Tất cả các yếu tố này giúp dòng tiền sẵn sàng vào thị trường được đánh giá còn nhiều.

{keywords}
Dòng tiền ồ ạt vào TTCK có thể kéo nhiều cổ phiếu kém chất lượng tăng giá mạnh.

CTCK Yuanta vừa dự báo, TTCK sẽ lập đỉnh cao mới ngay trong tháng 11. Yuanta dự báo xác suất cao VN-Index đạt 1.534 điểm trong tháng 11  và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bứt phá mạnh nhất.

Theo Yuanta, việc thay đổi cách thức phòng chống Covid từ “Zero-Covid” sang sống chung với virus bước đầu phát huy hiệu quả về mặt kinh tế khi các chỉ số vĩ mô trong tháng 10 hầu hết đều cho thấy các tín hiệu tích cực. Chỉ số PMI tháng 10 của Việt Nam đạt 52,1 điểm, tăng lên trên 50 từ mức 40,3 điểm của tháng 9. Tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 10 cũng tăng 15,9% so với tháng trước.

Yuanta duy trì quan điểm tích cực trong trung và dài hạn cho thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như khả năng hồi phục có thể kéo dài sang quý IV/2021.

Nhiều CTCK đưa ra kỳ vọng vào một sự bùng nổ của chứng khoán dựa trên chương trình phục hồi kinh tế. Một số dự báo thậm chí còn dự báo chỉ số VN-Index có thể lên mốc 1.700 điểm trong 6-12 tháng tới.

Mặc dù tăng mạnh nhờ kỳ vọng lớn nhưng không ít chuyên gia cảnh bảo về khả năng bong bóng ở nhiều cổ phiếu.

Theo HSC, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.550 điểm vào đầu 2022 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh lớn. Thị trường hiện được thúc đẩy từ lực đỡ chủ yếu từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

VCBS dự báo VN-Index có thể tăng lên 1.500 điểm trong quý IV, sau đó xuất hiện nhịp điều chỉnh từ 100-200 điểm. 

Trên thực tế, dòng tiền mới đổ vào TTCK trong những năm gần đây rất lớn mà minh chứng là gần triệu tài khoản được mở mới trong 2 năm qua. Số tiền trong tài khoản có lúc lên tới vài tỷ USD. Dòng tiền mới đổ vào đã giúp TTCK xác lập mặt bằng mới.

Tuy nhiên, trên thị trường vàng thau lẫn lộn, có không ít những doanh nghiệp làm ăn yếu kém nhiều năm, không chi trả cổ tức, tính minh bạch kém và giá cổ phiếu trước đây ở mức rất thấp. Không ít người có thể sẽ bị cuốn vào guồng đầu tư theo trào lưu, rất dễ đổ tiền vào các cổ phiếu có độ rủi ro cao và bị dẫn dắt bởi những đội, nhóm tạo 'game' trên thị trường.

Ở vào lúc thị trường lên, có thể tất cả đều thắng. Nhưng dòng tiền vào nhanh cũng có thể ra nhanh. Lịch sử cho thấy, không ít người mua đuổi và vào sau trở thành người “ôm bom”, chịu lỗ nặng và cổ phiếu có thể 10 năm không về được đỉnh cũ.

M. Hà

Chứng khoán một ngày đỏ rực, bất ngờ kỷ lục 2 tỷ USD qua tay

Chứng khoán một ngày đỏ rực, bất ngờ kỷ lục 2 tỷ USD qua tay

Thị trường chứng khoán chứng kiến một phiên giảm điểm hiếm có với tất cả các mã VN30 tụt giảm. Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy cũng lớn giúp thanh khoản lần đầu tiên đạt ngưỡng 2 tỷ USD/phiên.