Như VietNamNet đã đưa tin, UBND TP.HCM đề xuất mở rộng một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đáng chú ý, điện thoại di động là một trong số các mặt hàng được UBND TP.HCM đề xuất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khi được hỏi đều đánh giá đề xuất này là vô lý. Đặc biệt, mỹ phẩm hiện nay là phổ biến với nhiều người nhất là chị em, nếu đánh thuế khác nào đánh vào quyền làm đẹp của phụ nữ

Ngoài ra, UBND TP.HCM còn đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Theo lãnh đạo địa phương này, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ này "thuộc nhóm khá cao cấp", qua đó giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

{keywords}
Toàn dân dùng smartphone nên không có gì là hàng xa xỉ.

"Đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại trong đề xuất trên, tuy không phải là hàng hóa dịch vụ cao cấp song cũng không phải là hàng hóa, dịch vụ rất thiết yếu, cần phải đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý", UBND TP.HCM nêu ý kiến.

Trong đó, điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng theo UBND TP.HCM, điện thoại di động nên đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên", có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics, cho rằng: Theo giải thích của UBND TP.HCM thì mục đích của đề xuất này là muốn điều tiết thu nhập. Nhưng để làm điều này, Việt Nam đã có công cụ đang được dùng rất nhiều là thuế thu nhập, vậy TP.HCM còn muốn điều tiết gì của người dân nữa trong khi mức thuế thu nhập của Việt Nam và các bước thuế thuộc loại cao nhất khu vực.

Ông Đinh Tuấn Minh nói: “Nếu chỉ vì mục đích điều tiết thu nhập để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì không hợp lý”.

“Mỹ phẩm, điện thoại di động thì đâu phải chỉ người thu nhập khá mới dùng. Toàn bộ người nghèo đều dùng cả, sinh viên nông dân ai chả dùng smartphone”, ông Đinh Tuấn Minh nêu ý kiến.

Cho nên ông Đinh Tuấn Minh khẳng định: Những đề xuất như vậy hoàn toàn không hợp lý!

{keywords}
Mỹ phẩm, nước hoa... cũng bị đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Còn ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kế toán Đồng Hưng, cho hay: "Những đề xuất như vậy chỉ muốn đè người dân ra thu thuế. Chuyện đó là không nên trong thời điểm hiện nay. Hiện giá điện, giá xăng đều tăng, người dân phải gánh chịu đủ mệt rồi. Ngay cả tôi còn cảm thấy quá nặng nề, mà còn đè người lao động ra thu".

“Điện thoại di động ai chả dùng, có phải hàng xa xỉ phẩm đâu. Thuế tiêu thụ đặc biệt là dùng để đánh vào hàng xa xỉ phẩm, điều chỉnh thu nhập. Giờ điện thoại nông dân cũng dùng được smartphone, đâu phải cái gì đâu mà nghĩ ra chuyện trời ơi đất hỡi như vậy”, ông Chung Thành Tiến chia sẻ.

“Những đề xuất như vậy là không phù hợp và không nên”, ông Tiến khẳng định.

Theo ông Chung Thành Tiến, để đảm bảo nguồn thu ngân sách có rất nhiều việc phải làm, không phải chỉ là tăng thêm sắc thuế.

Nếu cứ đề xuất các chính sách thuế để thu thêm của người dân thì “người ta đang khốn khổ lại khốn khổ thêm”, tạo ra những hệ lụy khó lường cho xã hội. “Bởi vì khi người dân túng thiếu quá rồi, dồn họ vào đường cùng thì sẽ xảy ra các chuyện khác như trộm cướp, mua bán hàng cấm,... ”, ông Tiến thẳng thắn.

Theo một chuyên gia, bối cảnh hiện nay cần tập trung xem các doanh nghiệp đã đóng thuế đầy đủ hay chưa, nộp đúng nộp đủ hay chưa? “Đặt câu hỏi đó thì mới ra vấn đề, không gây xáo trộn cho người dân, xã hội chứ không phải tìm cách thu thêm thuế dựa trên các đề xuất bất hợp lý như trên”, vị này nói.

Lương Bằng