Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, các thị trường tài chính và dầu mỏ vừa trải qua một phiên ác mộng nữa: biến động khôn lường, chao đảo và đóng cửa rực lửa với phần lớn giảm giá sâu.

Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao kỳ hạn tháng 7/2019 gây sốc khi giảm 5,7% xuống chỉ còn 57,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,23 USD (-4,6%), xuống 67,76 USD/thùng. Đây là một phiên giảm mạnh nhất trong năm 2019.

Đó cũng là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư nghi ngờ về triển vọng của nền kinh tế giới bất chấp cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Iran tại khu vực Trung Đông đe dọa nguồn cung dầu suy giảm.

TTCK Mỹ cũng trải qua một phiên tồi tệ với chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc giảm 400-500 điểm. Chốt phiên chỉ số Dow Jones giảm gần 290 điểm xuống dưới ngưỡng 25,5 ngàn điểm và đã ở khá xa so với kỷ lục trên 26 ngàn điểm lập trong tháng trước.

Chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq cũng đồng loạt giảm mạnh.

Lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Mỹ tụt xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm nay, một dấu hiệu đáng lo ngại về triển vọng kinh tế và lạm phát.

TTCK và tài chính châu Âu và châu Á trước đó cũng đồng loạt chao đảo. Chứng khoán từ Thượng Hải, Hong Kong, Nhật Bản cho tới châu Âu đều giảm. Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh xuống thấp nhất 4 tháng sau khi tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) lại rơi vào thế bế tắc và Thủ tướng Anh Theresa May có thể mất chức.

Các thị trường sụt giảm mạnh chủ yếu do giới đầu tư bán các loại tài sản rủi ro và tìm đến các bến đỗ an toàn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn với một kịch bản được cho là tồi tệ và kéo dài sau khi cả 2 bên đã tỏ thái độ không hợp tác.

Một số đánh giá cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài tới năm 2035 và có thể trở thành một cuộc chiến tranh lạnh thương mại do 2 nền kinh tế vẫn còn nhiều bất đồng, không thể giải quyết trong ngắn hạn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng vừa cho biết, hiện tại chưa có thêm cuộc gặp nào với phía Bắc Kinh được lên lịch và cũng cùng quan điểm với ông Donald Trump trước đó, ông Mnuchin khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho khoảng thời gian khó khăn trước mắt và một cuộc “Vạn lý trường chinh” mới kéo dài. Đây cũng được xem là một quan điểm cứng rắn. 

{keywords}
Cuộc chiến Mỹ-Trung được đánh giá là sẽ kéo dài.

Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh, đàm phán thương mại chỉ có thể tiếp tục cho đến khi Mỹ điều chỉnh “hành động sai lầm của mình”.

Cú đánh dứt điểm: Một lần thẳng vào tham vọng số 1

Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục tung các đòn hiểm chưa từng có lên Trung Quốc sau khi cáo buộc Bắc Kinh nuốt lời trong cuộc đàm phán kéo dài 5 tháng với 11 phiên. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một tổng thống đã tung đòn chặn sự phát triển như vũ bão của các công ty công nghệ Trung Quốc vốn đang luồn lách tới các ngõ ngách trên phạm vi toàn thế giới.

Ông Trump cáo buộc các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc như Huawei có hoạt động núp dưới bóng của chính phủ Trung Quốc và gây ra sự mất an toàn, an ninh cho nước Mỹ. Quyết định cấm các công ty Mỹ bán các công nghệ cốt lõi và các dịch vụ quan trọng có thể khiến Huawei đổ vỡ.

Đòn hiểm chưa từng có của ông Trump được xem cũng là đánh vào tham vọng chiếm ngôi số 1 của Trung Quốc. Mâu thuẫn Mỹ-Trung là rất lớn và được cho là không dễ giải quyết bằng những lời nói hay cử chỉ ngoại giao thân thiện.

Trên thực tế, không phải đến thời điểm này Huawei hay các công ty công nghệ của Trung Quốc mới được đưa vào tầm ngắm, mà từ lâu Mỹ để mắt tới Huawei như một mối đe dọa tới an ninh quốc gia và sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo.

Trong cả thập kỷ qua, trong khi Mỹ mở cửa cho các công ty công nghệ của Trung Quốc được thâm nhập vào thị trường Mỹ cũng như sử dụng các công nghệ cốt lõi của Mỹ thì các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Facebook… chật vật tại thị trường Trung Quốc.

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc cùng với những cáo buộc “ăn cắp sở hữu trí tuệ”, được sự hỗ trợ của nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia nhiều nước… đã khiến nước Mỹ thực sự lo ngại.

Trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung gần đây, chính quyền Donald Trump đã yêu cầu Bắc Kinh thay đổi nhiều điều trong đó có những vấn đề liên quan tới bản quyền sở hữu trí tuệ, những quy định bắt buộc chuyển giao công nghệ, cũng như vấn đề liên quan tới thể chế. Nhiều vấn đề đã được thống nhất và ông Trump cũng đã có lần khoe về những kết quả tốt đẹp của cuộc đám phán. Tuy nhiên, phía Trung Quốc sau đó được cho là đã xóa bỏ những điều đã thỏa thuận trước đó.

M. Hà