Sau quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money) trong 2 năm, tính từ ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, Mobiphone và Vinaphone cho hay dự kiến quý 2/2021 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ này.

Hiểu một cách đơn giản, Mobile Money sẽ cho phép mọi người dân có thể thanh toán tiền thông qua tài khoản trên điện thoại di động, đã được đăng ký với các nhà mạng. Từ mua mớ rau hay uống cốc trà đá đều có thể dùng điện thoại di động để thanh toán. Hoạt động thanh toán được tiến hành mọi lúc mọi nơi.

“Cánh tay nối dài” 

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự xuất hiện của Mobile Money, sẽ gia tăng sự cạnh tranh lên các ngân hàng nhưng là đối tác chứ không phải đối thủ.

{keywords}
Từ nay, người Việt Nam có thể dùng tài khoản đăng ký trên điện thoại di động để chuyển tiền, thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Đánh giá về tác động của Mobile Money với ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng, Mobile Money chính thức được triển khai sẽ gia tăng cạnh tranh với các mô hình ví điện tử và ngân hàng. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này là lành mạnh và cần thiết.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Mobile Money ở nước ta sẽ chỉ được phục vụ nhu cầu thanh toán và chuyển tiền các món hàng có giá trị nhỏ. Như vậy, hai chức năng quan trọng nhất của ngân hàng là huy động và cho vay, Mobile Money không hề động tới. Không những thế, sự xuất hiện của loại hình này còn thúc đẩy thói quen thanh toán trực tuyến, tác động tích cực tới thị trường, khiến ngân hàng hưởng lợi. 

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, cách đây vài năm khi các công ty tài chính công nghệ (Fintech) ra đời, ngân hàng coi Fintech là một trong những đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, gần đây, ngân hàng đã nhận diện họ là đối tác để cùng cung cấp dịch vụ thuận tiện hơn cho khách hàng. Rõ ràng, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nhưng sự xuất hiện của những hình thức thanh toán hiện đại sẽ khiến ngành ngân hàng phải thay đổi.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, khẳng định: "Mobile Money là hệ thống thanh toán nhỏ lẻ, không cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Chúng tôi ủng hộ sự phát triển của mô hình này và mong rằng, Mobile Money trở thành 'cánh tay nối dài' của ngân hàng".

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Tiên phong (TPBank) cho rằng, ngành ngân hàng không thể độc quyền trong lĩnh vực thanh toán và cũng không thể làm tốt tất cả mọi thứ. Những gì Fintech làm tốt, các ngân hàng chọn con đường hợp tác, biến ứng dụng ngân hàng thành một ứng dụng có khả năng kết nối, liên thông tốt nhất với Fintech. "Với Mobile Money, chúng tôi cũng coi đây là đối tác, chứ không phải đối thủ", vị này nhấn mạnh.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại nhận định, Mobile Money hay các Fintech đều nhắm vào thị trường ngách, vào phân khúc nhỏ lẻ mà các ngân hàng không đủ sức phủ sóng. Vì vậy, Mobile Money mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh, cùng các ngân hàng tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Mobile Money phát triển cũng thúc đẩy hợp tác ngân hàng - Fintech để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

{keywords}
Về cơ bản, Mobile Money hướng đến thị trường ngách, với người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn

Thay đổi ngân hàng

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đắc Hưng, “miếng bánh” trên thị trường thanh toán sẽ bị cạnh tranh. Các ngân hàng sẽ bị buộc phải cạnh tranh mạnh mẽ để giữ miếng bánh thu phí thanh toán.

Ông Hưng lý giải, bởi nó có lợi thế về tốc độ nhanh và dễ sử dụng. Nếu các nhà mạng lại thiết lập mức phí dịch vụ cạnh tranh, chắc chắn nhiều người sẽ mở tại khoản trên điện thoại di động để thanh toán. Như vậy thanh toán qua ngân hàng sẽ giảm và đương nhiên ngân hàng sẽ thất thu, tiến sỹ Hưng nhận định.

Hiện tại doanh thu từ các dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam chiếm chưa đầy 20% tổng doanh thu. Gần đây, nhiều ngân hàng đang muốn cải thiện tỷ trọng thu từ dịch vụ do đây được xem là nguồn thu bền vững và ít rủi ro hơn so với hoạt động tín dụng. Chính vì thế, phí thanh toán đang có xu hướng tăng lên. Sự ra đời của Mobile Money với mức phí cạnh tranh, có thể làm các ngân hàng phải tính toán lại.

Về cơ bản, Mobile Money hướng đến thị trường ngách, với người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, nơi đa phần chưa có thẻ ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại.

Tuy nhiên, nếu giao dịch thuận tiện, chi phí thấp thì ngay cả những người đang có tài khoản ngân hàng, sống tại các đô thị cũng có thể mở tài khoản Mobile Money trên điện thoại di động để thanh toán. Do vậy, tiền của họ trước đây để toàn bộ ở tài khoản ngân hàng thì nay sẽ chuyển một phần sang tài khoản của nhà mạng. Điều này cũng làm cho các ngân hàng không khỏi lo lắng, vì có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng cả huy động và cho vay của một số ngân hàng.

Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không còn cách nào khác, hệ thống ngân hàng cần có sự đổi mới, việc phát triển mở rộng mạng lưới có ý nghĩa rất quan trọng, làm tăng cơ hội quảng bá sản phẩm dịch vụ chiếm lĩnh thị phần. Song song đó, cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp thanh toán nhanh và thuận tiện, giảm phí để khuyến khích người sử dụng nhiều hơn. Như thế, đương nhiên khách hàng sẽ được hưởng lợi.

Trần Thủy

Một quyết định triệu người hưởng lợi, 'cục gạch' trên tay bắn tiền xuyên Việt

Một quyết định triệu người hưởng lợi, 'cục gạch' trên tay bắn tiền xuyên Việt

Không cần đến smartphone, chỉ cần sử dụng điện thoại "cục gạch”, những nông dân ở vùng núi hay hải đảo vẫn có thể chuyển tiền, mua hàng nhanh gọn.