Bộ Tài chính đề xuất không cho phép doanh nghiệp có vốn nhà nước đưa chi phí hiếu hỉ, nghỉ mát… vào giá thành vì lo ngại làm tăng giá sản phẩm, dịch vụ.

Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo nghị định này liên quan đến việc các doanh nghiệp nhà nước (gồm cả doanh nghiệp mà nhà nước nắm vốn chi phối) đưa chi phí hiếu hỷ, nghỉ mát… vào giá thành sản phẩm.

{keywords}
Việc doanh nghiệp có vốn nhà nước được đưa chi phí hiếu hỉ, nghỉ mát... vào giá thành làm tăng giá sản phẩm. Ảnh: L.Bằng

Thực tế hiện nay, việc đưa chi phí hiếu hỉ, nghỉ mát… vào giá thành và được trừ khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân. Tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước còn có thêm “đặc quyền” khác. Đó là Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp nhà nước được trích từ phần lợi nhuận sau thuế để trích lập Quỹ khen thưởng phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp với mức tối đa không quá 3 tháng lương thực tế.

Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước cũng có quy định này.

Như vậy, đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước được áp dụng đồng thời 2 nguồn chi phúc lợi cho người lao động là nguồn tính vào chi phí sản xuất kinh doanh và trích lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi từ lợi nhuận sau thuế.

Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng việc các doanh nghiệp nhà nước dạng này được thực hiện chi khen thưởng, phúc lợi đồng thời tính vào chi phí được trừ và trích từ lợi nhuận sau thuế như nêu trên là bất hợp lý và tạo ra sự bất bình đẳng.

Theo Bộ Tài chính, đối với doanh nghiệp tư nhân, những khoản chi phí phúc lợi cho người lao động cũng gián tiếp phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh và cần được tính vào giá thành sản xuất theo như quy định hiện hành.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính cho rằng: Doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn vốn của nhà nước để thực hiện hoạt động kinh doanh, các chi phí phúc lợi này tính vào chi phí sản xuất là không hợp lý, dẫn tới tình trạng tăng giá thành sản xuất và chi phí này người tiêu dùng phải gánh chịu, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong lao động giữa các doanh nghiệp.

Bởi lẽ, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được trích lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi từ lợi nhuận sau thuế với mức tối đa không quá 3 tháng lương thực tế.

Để giải quyết bất cập này, đảm bảo công bằng, Bộ Tài chính muốn trình Chính phủ sửa đổi quy định theo hướng việc chi phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng với doanh nghiệp tư nhân, không áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước.

Lương Bằng