Tính chuyện vay thêm gần 500 nghìn tỷ đồng

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020.

Báo cáo về nợ công năm 2020, Chính phủ cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2020 là 459 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ.

Việc phải đi vay để bù đắp bội chi có nghĩa tiền làm ra vẫn chưa đủ đáp ứng chi tiêu, nên phải đi vay để bù đắp vào. Cũng vì tiền làm ra không chi tiêu đủ, nên việc trả nợ vay phải duy trì bằng cách "vay nợ mới trả nợ cũ"

{keywords}
Nợ công có giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ đang tạo áo lực lớn lên ngân sách

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2020 khoảng hơn 379 nghìn tỷ đồng.

Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương,... dự báo đến cuối năm 2020, nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.

Như vậy, nợ công tiếp tục giảm so với năm 2019.

Tuy các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước, nhưng Chính phủ đánh giá: Xu hướng này một phần phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài, rất chậm. Việc này một mặt hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay, mặt khác ngân sách vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.

Dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019 như sau: nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 19,5-20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.

Bên cạnh đó, tuy quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2019 được kiểm soát tốt ở mức 49,2% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 50% vào năm 2018), cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.

Một trong những lý do khiến danh mục nợ Chính phủ kém thuận lợi hơn trước đây, báo cáo của Chính phủ chỉ ra: Rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2020), tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho ngân sách nhà nước.

Riêng đối với danh mục trái phiếu chính phủ trong nước, nghĩa vụ trả nợ trái phiếu chính phủ tập trung vào một số thời điểm trong năm và giữa các năm 2020-2021. Ngoài ra còn các khoản trái phiếu chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ với trị giá 1,7 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021, phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.

Vì vậy, Chính phủ nhấn mạnh: Việc sử dụng quy mô GDP đánh giá lại để xác định các trần và ngưỡng an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp cần được xem xét thận trọng để đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ thông qua chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước.

{keywords}
Việc vay nợ nước ngoài phải được kiểm soát chặt chẽ, phát huy hiệu quả đồng vốn.

Lãi vay ngày càng tăng

Trong báo cáo, Chính phủ nhận định rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng (từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,4% năm 2019).

Dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng.

Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất bình quân nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp (2%/năm tính đến 31/12/2019) do trên 96% khoản vay nước ngoài có điều kiện vay ODA, vay ưu đãi.

Yếu tố này góp phần quan trọng giúp duy trì chỉ tiêu trả nợ trên thu ngân sách nhà nước trong ngưỡng an toàn. Cụ thể, lãi suất bình quân nợ nước ngoài cuối năm 2019 ở mức 19,5-20,5% so với ngưỡng được Quốc hội cho phép là 25%, so với mức 15,9% cuối năm 2018, và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tích cực khi phân tích tính bền vững danh mục nợ của Việt Nam.

Một thông tin khác được Chính phủ cập nhật, là sự thay đổi của các bên cho vay vốn đối với Việt Nam.

Theo đó, đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, các nhà tài trợ đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

“Trong 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn”, Chính phủ đánh giá.

Mặc dù tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 62,3% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2019), song danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo gồm USD, JPY và EUR (chiếm tỷ lệ tương ứng 38,7%; 34,2% và 16,7% dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 31/12/2019).

Chính phủ lưu ý đây là những đồng tiền “có biến động lớn trong thời gian vừa qua”. Những khoản trái phiếu chính phủ ngoại tệ phát hành trong nước trong giai đoạn trước cũng làm gia tăng rủi ro tỷ giá đối với tiền USD của danh mục nợ Chính phủ. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam cũng sẽ làm tăng giá trị danh nghĩa các khoản nợ bằng ngoại tệ khi quy sang nội tệ.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của NSNN như: nợ đọng XDCB, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của NSNN; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. 

Lương Bằng

 

Thu không đủ chi, nợ công 3,2 triệu tỷ loay hoay vay mới trả cũ

Thu không đủ chi, nợ công 3,2 triệu tỷ loay hoay vay mới trả cũ

Nợ công dù giảm vẫn lên đến hơn 3,2 triệu tỷ đồng, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên. Nhưng tiền làm ra vẫn không đủ để trả nợ, cho nên Chính phủ vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ.