HĐQT Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex (GEX) vừa công bố nghị quyết về việc thoái vốn khỏi mảng logistics thông qua hình thức bán toàn bộ phần vốn góp của Gelex tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics. Dự kiến, việc thoái vốn sẽ được thực hiện trong khoảng quý 2-3/2020.

Theo báo cáo tài chính, Gelex nắm 100% cổ phần tại Gelex Logistics, giá trị khoản đầu tư gốc lên đến 1,2 ngàn tỷ đồng. Trong năm 2019, mảng vận tải và kinh doanh kho bãi của Gelex ghi nhận doanh thu trên 1,6 ngàn tỷ đồng.

Gelex Logistics là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải và kho bãi ở Việt Nam và có tiềm năng lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, hội nhập thế giới sâu rộng. DN này nắm cổ phần chi phối tại nhiều công ty logistics lớn như: Sotrans (54,8%), Sotrans Logistics (100%), Sowatco (84,4%), Vietranstimex (84%). Bên cạnh đó, Gelex Logistics cũng có hai trung tâm logistics tại Hà Nội (30 ha) và Long Bình - TP.HCM (50 ha).

{keywords}
Gelex quyết định thoái vốn khỏi lĩnh vực logistics.

Logistics là ngành kinh doanh đầy triển vọng tại Việt Nam, có quy mô lên tới khoảng 40 tỷ USD, theo Hiệp hội Doanh dịch vụ Logistics Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh liên quan tới lĩnh vực này đều có vốn thấp, dưới 10 tỷ đồng.

Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử gần đây góp phần thúc đẩy ngành logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng, phát triển nhanh. Đây có lẽ chính là lý do khiến Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn mượt) đầu tư vào lĩnh vực này.

Khoảng 5 năm gần đây, Gelex liên tục tấn công vào các lĩnh vực tiềm năng, như thâu tóm các doanh nghiệp cáp điện hàng đầu (Cadivi, Thibidi, HEM), các khách sạn danh tiếng (Melia Hà Nội), mua doanh nghiệp nước sạch (Nước Sông Đà Viwasupco), logistics (Sotrans 100%, Vietransimex 84%), và gần đây là bất động sản công nghiệp (mua Viglacera) để đón đầu làn sóng FDI khi Mỹ - Trung căng thẳng.

Chỉ trong thời gian ngắn, đại gia “Tuấn mượt” đã có nhiều thương vụ ngàn tỷ chấn động. Đây đều là các thương mua các “máy in tiền”, mua dòng tiền chứ không phải chỉ là mua tài sản.. Các nhóm này cần nhiều đầu tư ban đầu lớn nhưng sau sẽ sinh lời đều đặn.

Từ đó Gelex sẽ tích lũy để đầu tư vào các lĩnh vực khác có triển vọng và khả năng sinh lời dài hạn. Mảng thiết bị điện có dòng tiền dồi dào, mang về cho Gelex khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Tuấn đưa Gelex tấn công vào nhiều lĩnh vực hot tại Việt Nam.

Quyết định rút khỏi mảng logistics của Gelex khá bất ngờ, nhưng cũng có những tín hiệu báo trước.

Trong năm 2019, doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Tuấn đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp để đón nhận dòng vốn ngoại vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam, nhất là từ những cơ hội do ông Donald Trump tạo ra với những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Gelex đã mua Viglacera (VGC) và sau đó quyết định thành lập Khu công nghiệp (KCN) Yên Mỹ tại Hưng Yên, với quy mô 280 ha và có thời hạn hoạt động đến 2068.

Khác với các thương vụ khác, cú đầu tư vào Viglacera cũng khiến ông Tuấn trăn trở do Gelex có những rủi ro nhất định về dòng tiền, cần tới hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó, GEX cũng phải rải tiền vào nhiều lĩnh vực khác, điện gió, điện mặt trời, hay dự án 2 khách sạn 5-6 sao tại khu đất kim cương tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội),...

Việc rút khỏi logisitcs có thể để dồn sức cho các lĩnh vực khác. Đại dịch Covid-19 cũng có thể là lý do. Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, nhiều doannh nghiệp ước tính doanh thu giảm 50% vì dịch bệnh.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 14/5, chỉ số VN-Index giảm nhẹ và xoay quanh ngưỡng 830 điểm. Hầu hết các cổ phiếu blue-chips quay đầu giảm điểm do áp lực chốt lời, bất chấp khối ngoại trở lại mua ròng trong 2 phiên gần đây.

Theo SHS, trong phiên giao dịch tiếp 14/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng kháng cự quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%) để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh vùng hỗ trợ trong khoảng 790- 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/5, VN-Index giảm 1,11 điểm xuống 834,21 điểm; HNX-Index tăng 0,09 điểm lên 111,86 điểm. Upcom-Index tăng 0,09 điểm lên 53,73 điểm. Thanh khoản đạt 7,9 ngàn tỷ đồng.

V. Hà