Bất ngờ cô giáo thành nhân viên tổng đài
7h sáng ở một góc bàn yên tĩnh tại Trung tâm văn hóa quận 5, chị Lê Thúy Hạnh liên tục bấm điện thoại, gọi khách hàng đã đặt mua thực phẩm trên website bán hàng trực tuyến của Trung tâm.
“Con từ Trung tâm văn hóa quận xác nhận thông tin mình đặt mua hàng, một số mặt hàng hôm nay nhà cung cấp chưa chuyển kịp. Bác thông cảm, con sẽ liệt kê cụ thể để điều chỉnh lại đơn”, chị trao đổi với khách qua điện thoại.
Nhìn cách chị Hạnh liên hệ, nói chuyện với khoảng 400-500 khách hàng mỗi ngày, thao tác thuần thục như tổng đài viên của kênh phân phối. Ít ai nghĩ rằng, đây là một giáo viên tiểu học.
khong-gian.jpg |
Trừ những ngày bận làm công tác sư phạm, thời gian còn lại, cô giáo Hạnh sẽ hỗ trợ cho “siêu thị dã chiến” - mới được thiết lập tại Trung tâm văn hóa quận 5. Tùy vào bộ phận sắp xếp nhân sự, hôm thì cô giáo phân loại, cân hàng hóa, hôm sẽ gọi điện cho khách.
50 “nhân viên siêu thị” hỗ trợ phân phối đều là cán bộ trung tâm văn hóa quận, cán bộ các phòng ban chuyên môn của quận, lực lượng giáo viên, lực lượng dân quân tự vệ từ các phường huy động.
Anh Lê Hoàng Nam, một người lính xuất ngũ đang bận rộn phân chia điểm đến của các túi hàng, hàng ở phường nào về phường đó để quá trình di chuyển thuận tiện, nhanh chóng nhất. Đội vận chuyển gồm khoảng 10 người, mỗi người chạy trung bình 30 đơn hàng/ngày cũng không xuể.
“Có ngày chúng tôi chạy tới 7h-8h tối. Đơn đặt không bao giờ hết do nhu cầu người dân quá lớn. Mấy anh em giao hàng là bộ đội, dân quân ở quận cũng cố gắng hết sức có thể rồi”, anh Nam chia sẻ.
“Tôi từng đi hỗ trợ xét nghiệm cộng đồng, giờ giúp phân phối thực phẩm tới bà con. Gia đình tất nhiên có sợ nguy hiểm nhưng nếu có ý thức bảo vệ bản thân mình, chấp hành 5K thì không đến nỗi nào. Tôi thấy vui vì những việc đang làm”, cô giáo Hạnh nói và tiếp tục điện thoại gọi tới người dân.
Cán bộ quận bận rộn hỗ trợ phân phối hàng hóa |
700 đơn đặt hàng chỉ trong 2 tiếng
Bà Đào Thị Ánh Tuyết - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận 5 - cho biết, “siêu thị dã chiến” của quận bắt đầu hoạt động từ ngày 18/7. Tuy nhiên, lượng khách đặt nhiều với số lượng lớn tăng mạnh từ ngày 23/8, sau khi TP.HCM áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách.
Kênh phân phối này được thành lập từ nhu cầu thực phẩm lớn của người dân trong khi các chợ truyền thống đóng mở liên tục do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không đảm bảo cung ứng hàng hóa.
Mô hình hoạt động tại đây không khác gì một kênh phân phối chuyên nghiệp. Sau khi hàng được nhà cung cấp chuyển tới, sẽ có bộ phận phân loại, cân thành các túi hàng 1kg và sắp lên kệ. Người gọi điện thoại liên hệ với khách đã đặt trên website trước đó để xác minh thông tin, chốt đơn.
Sau khi đơn được xác nhận, sẽ có bộ phận nhặt đồ đi chợ, in hóa đơn trước khi chuyển túi hàng cho đội ngũ vận chuyển. Một đơn hàng đặt mua từ Trung tâm văn hóa quận 5 sau hai ngày sẽ đến tay người dân.
Cô giáo Lê Thúy Hạnh gọi điện chốt đơn của khách hàng |
“Chúng tôi đi chợ hộ và tính tiền theo đơn hàng thực tế. Những mặt hàng đặt mà không có sẽ liên hệ xem khách muốn đổi không hoặc bỏ món hàng đó ra khỏi đơn. Giá tiền trên website là giá ước tính vì còn tùy thuộc vào nguồn hàng của nhà cung cấp đến mỗi ngày”, bà Tuyết nói.
Giá bán rẻ, trung bình rau xanh chỉ khoảng 23.000-25.000 đồng/kg, rau củ quả đắt nhất chưa tới 40.000 đồng/kg nên số lượng đơn hàng đặt mỗi ngày là rất lớn. Mặc dù trên trang web ghi rõ chỉ nhận đơn hàng từ người dân cư trú trên địa bàn quận, nhưng nhiều bà con ở các quận liền kề vẫn đặt và muốn được giao hàng. Siêu thị buộc phải gọi điện từ chối, mong người dân thông cảm.
Cũng theo đại diện Phòng Kinh tế quận, “siêu thị dã chiến” quận 5 có chính sách giới hạn, người đặt chỉ được mua mỗi loại 1 kg song do danh mục hàng hóa nhiều, có những đơn hàng đặt cả hai trang giấy A4 với hàng chục món hàng.
Lúc cao điểm (sáng ngày 23-24/8) chỉ sau hơn 2 tiếng, có tới khoảng 700 đơn đặt hàng trên hệ thống. Do sợ quá tải nên website đặt hàng chỉ mở trong khung giờ nhất định và sẽ tự động đóng khi đã đủ số lượng trong ngày.
Hiện tại, mỗi ngày “siêu thị dã chiến” chuyển từ 350-400 đơn hàng trên địa bàn quận 5 và đang muốn nâng công suất lên 500 đơn/ngày. Nếu lực lượng vận chuyển giao hàng không kịp, cuối ngày, Trung tâm văn hóa quận sẽ liên hệ các phường, nhờ hỗ trợ đưa hàng về cho người dân.
Một công chức đang đi chợ hộ người dân |
Phân loại hàng thành các túi 1kg |
Lực lượng giao hàng đang phân chia điểm đến |
Chuối được bán tại “siêu thị dã chiến quận 5” |
Trứng được sắp trên kệ |
Trần Chung
Phường mở web 'Đi chợ giúp dân', chung cư lập tổ phản ứng nhanh
Sự sáng tạo, tích cực đến từ chính quyền cơ sở, khu dân cư và các đơn vị phân phối đã góp phần đẩy nhanh tốc độ “đi chợ hộ”, đảm bảo nhu cầu lương thực cho người dân TP.HCM.