Cụ thể, theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 8h39' ngày hôm nay (15/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 102,6 USD/thùng, giảm 4,34 USD, tương đương 4,06% so với ngày hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 4 được giao dịch ở mức 98,83 USD/thùng, giảm 4,18 USD, tương đương 4,06% so với ngày hôm qua.
Trước đó, vào ngày 14/3, giá dầu thế giới cũng giảm mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 14/3, dầu WTI có thời điểm giảm 8,75% về mức 99,76 USD/thùng, còn dầu Brent có lúc cũng rớt 8% xuống mức giá 103,68 USD/thùng.
Tính chung trong ngày 14/3, giá dầu thô Brent giao sau giảm 5,77 USD, tương đương 5,1%, xuống 106,90 USD/thùng, còn giá dầu thô WTI giảm 6,32 USD, tương đương 5,8%, về mốc giá 103,01 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 28/2 và mức giá thấp nhất của dầu thô Brent kể từ ngày 1/3.
Giá dầu giảm mạnh, về sát mốc 100 USD/thùng (Ảnh: Reuters) |
Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới giảm mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng về cuộc đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine sẽ thúc đẩy nguồn cung gia tăng trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, chính sách cấm đi du lịch ở Trung Quốc vì sự bùng phát của Omicron có thể làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu vì Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này sẽ thúc đẩy đồng bạc xanh đồng nghĩa với việc giá dầu giảm.
Trong tuần vừa qua, giá dầu WTI đã giảm gần 5,5%, còn giá dầu Brent giảm 4,6% trong bối cảnh những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga trong tương lai gần đã giảm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu sẽ tăng cao trong tương lai gần. Các nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu thị trường Commerzbank Research (Đức) cho biết giá dầu sẽ ở mức trên 100 USD/thùng trong quý II năm 2022.
Dù “lao dốc” mạnh từ đầu tuần này, song kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả 2 loại dầu Brent và WTI đều tăng giá mạnh. Giá dầu Brent đã chạm mức 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3 (mức cao nhất kể từ năm 2008). Tính từ đầu năm nay, hai mặt hàng dầu này đã tăng khoảng 36%.
Ở thị trường trong nước, giá xăng, dầu đang ở mức cao kỷ lục. Theo đó, hiện giá bán lẻ với xăng E5 RON 92 không quá 28.985 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.824 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.268 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.918 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.987 đồng/kg.
Với diễn biến giá dầu thế giới mấy ngày qua giảm mạnh, cùng với động thái đề xuất giảm 50%, tương đương 2.000 đồng/lít xăng, dầu là 2 yếu tố giúp giá xăng trong nước có thể sẽ tụt nhanh trong kỳ điều hành tới.
Anh Tuấn
Xăng nguy cơ tăng tới 4.000 đồng/lít, bước điều chỉnh mạnh hiếm có
Các chuyên gia dự báo giá xăng, dầu ở phiên điều chỉnh giá ngày mai (11/3) có thể tăng 3.000-4.000 đồng/lít. Đây sẽ là lần thứ 7 liên tiếp giá xăng trong nước tăng.