Bán những món đồ bắt mắt, nhỏ nhắn với giá vài chục nghìn, nhưng các chuỗi bán lẻ “kiểu mới” có thể thu lợi hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương mới đây lên tiếng cảnh báo về mô hình kinh doanh này vì sự mập mờ về xuất xứ hàng hóa và “trục lợi” lòng tin người tiêu dùng.

Xuất xứ Trung Quốc

Mới đây, bà Dương Thanh Tâm, CEO của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Mini Số Việt Nam (Miniso) xác nhận đã chính thức rời ghế điều hành từ tháng 6/2018.

Miniso gia nhập thị trường Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu bởi Tập đoàn Lê Bảo Minh, hiện đang phân phối độc quyền thương hiệu Canon, từ tháng 9/2016.

Sau khi người Việt rút đi, người Trung Quốc sẽ đảm nhiệm chiếc ghế này. Nhưng trước đó, trên thị trường đã đồn đoán rằng, trong khoảng thời gian qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã tiếp quản dần là người đứng đằng sau các hoạt động của Miniso.

{keywords}
 Miniso đứng trước hàng loạt nghi vấn về xuất xứ hàng hóa

Ra đời năm 2013 tại Nhật Bản, Miniso là mô hình bán lẻ theo chuỗi, bao gồm đồ gia dụng, thời trang, chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm, thành lập bởi một người Trung Quốc (vai trò điều hành và có trụ sở tại Quảng Châu) và một người Nhật Bản (vai trò thiết kế).

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, Miniso đứng trước hàng loạt nghi vấn về xuất xứ thực sự của chuỗi bán lẻ này. Tại Việt Nam, nhãn mác hàng hóa của Miniso được thể hiện bằng tiếng Nhật, nhưng hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài Miniso, mới đây còn thêm vụ việc Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng (Bộ Công Thương) về trường hợp của Mumuso, một mô hình tương tự như Miniso nhưng được quảng bá xuất xứ từ Hàn Quốc.

Sau khi kiểm tra hàng hóa tại Mumuso, cơ quan này kết luận có 99,3% hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là chuỗi bán lẻ này sử dụng nhiều “chiêu trò” khiến khách hàng nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa. Ciệc ghi nhãn hàng hóa cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Mumuso còn có dấu hiệu vi phạm một loạt quy định khác.

Bủa vây người Việt

Trong 2 năm gần đây, mô hình kinh doanh bán lẻ chuỗi cửa hàng tiện lợi như thế này bỗng bùng phát ở Việt Nam, trong đó Miniso được cho là đơn vị nổi trội, với hơn 40 cửa hàng tính đến hiện tại.

Sản phẩm được thiết kế bắt mắt, đa dạng, đi kèm mức giá thấp khiến người tiêu dùng tự “móc túi” cho dù không có nhu cầu sử dụng. Đối tượng khách hàng mà các cửa hàng nhắm đến là người tiêu dùng trẻ, dễ bị thu hút bởi đủ mọi mặt hàng từ đồ trang trí, nội thất, trang sức, quần áo, mỹ phẩm, các thiết bị điện tử hay thiết bị gia dụng, chăm sóc sức khỏe.

{keywords}
99% hàng hóa bán tại Mumuso là hàng Tàu

Mỗi cửa hàng có diện tích nhỏ, khoảng 150-200m2, phân bổ ở các khu vực đông dân cư ở các đô thị lớn. Số lượng cửa hàng tăng nhanh chính là nhờ mô hình nhượng quyền, tức nhà đầu tư bỏ một số vốn cho chủ thương hiệu, rồi mở cửa hàng, lấy hàng hóa với mức giá đặc biệt ưu đãi và bán thu lợi.

Thực tế ở Việt Nam trước đó có Daiso với mô hình cửa hàng đồng giá 40.000 đồng mỗi món, vào từ sớm nhưng không thành công. Trong khi ngày nay thì số thương hiệu dạng này đếm không xuể, như Miniso, Mumuso, Yoyoso, Ilahui, Minigood, Hachi Hachi,…

Nếu như trên thế giới, Miniso có doanh thu đến cả tỷ USD thì đóng góp từ 40 cửa hàng nhượng quyền ở Việt Nam cũng không hề nhỏ.

Có lẽ việc kiếm tiền dễ dàng từ thị trường Việt Nam của Miniso khiến các chủ thương hiệu khác cũng nhảy vào, nhưng rõ ràng, khi thị trường mở rộng nhanh thì dẫn đến chỗ xuất hiện các yếu tố cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi Miniso tự định vị là “thương hiệu được thiết kế bởi Nhật Bản” thì Mumuso tự quảng cáo là “thương hiệu bán lẻ mang phong cách Hàn Quốc”, Minigood cũng tương tự, Daiso thì dán khẩu hiệu “tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản”.

Việc các thương hiệu trên đồng loạt đẩy mạnh quảng cáo hàng hóa được thiết kế theo phong cách Nhật Bản và Hàn Quốc khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Khách hàng cũng “hoa mắt” vì ma trận sản phẩm và thông tin trên sản phẩm, đủ loại chữ tiếng Anh, tiếng Nhật hay Hàn.

Chính bản thân các thương hiệu này cũng tự bắt chước phong cách và hình ảnh lẫn nhau. Thậm chí, từ các loại sản phẩm, thiết kế sản phẩm hay cửa hàng cũng tương tự nhau, chỉ khác mỗi cái tên. Trong khi đó, logo của Miniso trước đó cũng bị cho là bắt chước hình ảnh của Uniqlo (hãng bán lẻ thời trang nổi tiếng của Nhật Bản).

Theo các chuyên gia, với vai trò là đại công xưởng của thế giới, hàng hóa phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc cũng không hẳn là vấn đề. Mức giá rẻ, đẹp, khách hàng nếu thích thì có thể mua hoặc không, nhưng vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo sai sự thật và lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng vào ấn tượng về Nhật bản, Hàn Quốc là khó chấp nhận.

Có cần thêm chế tài?

Theo Theo luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh Như, Công ty Luật NBLaws, nếu công ty có đăng ký kinh doanh hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và ghi rõ xuất xứ nhập khẩu từ Trung Quốc thì không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, ở trường hợp Mumuso, hình ảnh 22.000/KOREA là hành vi quảng cáo hàng hóa gây nhầm lẫn cho khách hàng quy định tại khoản 3, điều 45 Luật cạnh tranh 2004 quảng cáo gây nhầm lẫn nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Các hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối, hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 80-140 triệu đồng. Cụ thể các nội dung gồm: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; hoặc cải chính công khai.

Gia Hưng