Kiểm soát dịch bệnh, phân lập được virus

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong tháng 3/2019, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam.

Tính đến ngày 28/3, dịch bệnh này đã lan ra 23 tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung, buộc phải tiêu hủy hơn 85.000 con lợn.

Song, những ngày này, DTLCP đã được kiểm soát tốt hơn, tốc độ lây lan, phát triển của dịch đang có dấu hiệu chững lại. Đáng chú ý, ở nước ta 2 địa phương đầu tiên là phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) và xã Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên) đã dập tắt được dịch bệnh này.

{keywords}
Đã có 2 địa phương dập tắt được dịch tả lợn châu Phi 

Theo đó, từ khi phát hiện ổ dịch đến nay đã hơn 30 ngày tại hai địa phương trên vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch.

Cục Thú y cho biết, việc công bố hết dịch sẽ tạo điều kiện cho những đàn lợn khỏe mạnh trong địa bàn được vận chuyển, tiêu thụ tại nơi khác. Đồng thời, người dân có cơ hội tái đàn để ổn định chăn nuôi lợn.

Trước đó, tại cuộc họp bàn giải pháp kiểm soát an toàn cơ sở giống và ngành hàng thịt lợn, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT), cho biết mới đây, toàn bộ phòng dịch tễ Cục thú y đã kiểm chứng thông tin về tình hình dịch tễ trên thế giới. Hiện có 59 quốc gia đã từng nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Long, ngay khi có thông tin Trung Quốc đã phân lập được virus DTLCP, thì Việt Nam cũng đã phân lập được virus của bệnh dịch này tại ổ dịch ở Hưng Yên và Thái Bình, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. “Các phòng thí nghiệm của Việt Nam đang thực hiện bước nuôi cấy, phân lập nhân lên để phân loại virus phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng DTLCP”, ông Long cho hay.

Giá thịt lợn bất ngờ tăng mạnh

Sau 2 tháng xâm nhập vào nước ta, dịch tả lợn châu Phi đã bước đầu được khống chế. Cùng với sự tuyên truyền mạnh mẽ của giới truyền thông, người tiêu dùng đã gạt bỏ được e ngại về bệnh dịch này, bắt đầu sử dụng thịt lợn trong bữa ăn nhiều hơn. Nhờ đó, đã chấm dứt đà giảm giá của thịt lợn. Người chăn nuôi đón tin vui khi những ngày gần đây, giá lợn hơi xuất chuồng bất ngờ quay đầu tăng mạnh.

{keywords}
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng một tuần nay bất ngờ tăng mạnh

Ghi nhận tại các tỉnh ở miền Bắc như: Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc,... giá thịt lợn hơi ngày 4/4 đã tăng lên 35.000-36.000 đồng/kg. Thậm chí, giá thịt lợn hơi xuất chuồng ở Hà Nội còn tăng tới 39.000 đồng/kg, Bắc Giang có giá cao nhất miền Bắc khi bật tăng lên 42.000 đồng/kg.

Ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế và Quảng Trị tăng 6.000đ/kg, đạt 40.000-41.000đồng/kg.

Giá lợn hơi khu vực miền Nam cũng theo đà tăng mạnh, dao động từ 40.000-47.000đồng/kg. Cần Thơ là tỉnh thành có giá heo hơi cao nhất toàn quốc đạt 47.000đồng/kg.

Theo các hộ chăn nuôi, thời gian mới xuất hiện dịch tả, người dân lo sợ, hạn chế ăn thịt lợn dẫn đến mặt hàng này ế ẩm. Nhưng khoảng một tuần nay, thịt lợn tiêu thụ tốt hơn, các thương lái bắt đầu tăng mua nên giá lợn bật tăng mạnh.

Tại các địa phương ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng tăng mạnh, cộng với việc bệnh dịch tả châu Phi đã được khống chế nên người chăn nuôi bắt đầu tính toán việc tái đàn trở lại.

Thịt gà đồng loạt giảm còn 30.000 đồng/kg

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường, tháng 3, giá gà thịt lông màu khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL giảm 2.000-4.000 đồng/kg xuống còn 29.000-31.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông trắng ở hai khu vực này giảm nhẹ 5.000-6.000 đồng/kg xuống còn 29.000-30.000 đồng/kg.

Giá trứng gà bán tại trại tại hai khu vực này giảm 100 đồng/quả xuống còn 1.250 đồng/quả. Lý do bởi xu hướng tiêu dùng mặt hàng này không nhiều, trong khi nguồn cung khá dồi dào.

Bảo Phương