Khu vườn rộng 800m² sẽ khiến bất cứ người mê làm vườn nào ghen tị với 75 giống hoa hồng và hơn 70 giống cây không khí.

Tôi đến thăm khu vườn của chị Hiền vào một ngày cuối tuần. Cái nắng đầu hè ngột ngạt và bụi bặm của quãng đường từ Hà Nội sang Bắc Ninh ngay lập tức biến mất khi chúng tôi vừa kịp bước qua cửa nhà. Ngôi biệt thự xây bằng kĩ thuật ghép đá và mảnh vườn rộng đến 800m² với cả trăm gốc cây ăn quả cùng các loại hoa hồng "thổi" đến làn gió mát lành và an yên.

{keywords}

Lối vào nhà siêu lãng mạn.

{keywords}

Khu nhà - vườn mát mẻ, nơi chị Hiền nuôi dưỡng tình yêu với cây, hoa của mình.

Chị Hiền đã đồng hành với khu nhà vườn có tổng diện tích tới 1200m² đến nay là năm thứ 3, sau 2 lần dịch chuyển từ nội đô ra ngoại thành để cây, hoa phát triển được thuận lợi.

Khu vườn vào thời điểm chúng tôi đến không có quá nhiều hoa hồng, lý do bởi sau đợt tấn công ào ạt của sâu lông từ các cây ăn trái khiến hàng trăm gốc hồng trụi hết lá, chị Hiền buộc phải di tản cây. Dù vậy cách chị chăm chút cho một vạt hồng còn được giữ lại ở hiên nhà cũng đủ để tôi hiểu tình yêu của chị với cây, hoa.

Cùng chuyện trò với chị Hiền để hiểu thêm về khu vườn tuyệt đẹp với hàng trăm loại cây, hoa và những gì tuyệt vời chị đã làm ra từ khu vườn này.

Chào chị, chị bắt đầu đến với công việc làm vườn từ khi nào?

- Mình bắt đầu tình yêu với cây cối từ năm 2013, khởi đầu là với cây không khí, sau đó là đến mô hình cây trồng treo ngược rồi cuối cùng mới đến hoa hồng. Đầu tiên mình thuê lại mảnh vườn của gia đình ở Nguyễn Công Trứ, sau đó muốn mở rộng nên mình chuyển vườn lên khu Hồ Tây. Nhưng do khu vực mình thuê gần vườn đào, quất nên các chủ vườn thường hay phun thuốc sâu, bởi thế mình quyết định chuyển hẳn sang ngoại thành. Thật may mắn, mình mượn lại được ngôi nhà - vườn của gia đình người bạn và bắt đầu chuyên tâm hơn vào việc trồng hồng và làm các sản phẩm từ hoa hồng.

{keywords}

Một góc sân vườn nơi chị Hiền ngắm cảnh, dùng cơm và ngồi nghỉ ngơi thư giãn sau những lúc làm vườn.

Một ngày của chị bắt đầu như thế nào?

- Mình thường thức dậy lúc 6 giờ sáng, sau đó bắt đầu thăm vườn, thu hái hoa hồng rồi tưới cây. Nếu thu hoạch được nhiều hoa hay quả trái thì bắt tay vào làm sản phẩm từ cây nhà lá vườn.

Có thể thấy trong vườn của chị có rất nhiều hoa hồng. Vậy tổng cộng chị có tất bao nhiêu loại hoa hồng?

- Tổng cộng trong vườn có 75 giống hồng, gồm cả hồng bản địa lẫn hồng Anh. Hồng bản địa như hồng cổ Sapa, hồng đào, hồng nhung Hải Phòng, hồng leo trắng Đà Lạt, hồng bạch chữa ho. Hồng Anh có khoảng 70 loại, trong đó nhiều loại thuộc dòng David Austin như Juliet, Rosalind, Miranda, Patience... Thực ra như thế còn ít, bởi theo mình được biết hồng Anh có đến hơn 1000 dòng (cười).

{keywords}

Green diamond, một giống hồng rất đặc biệt - khi nở ra có màu trắng, nhưng một thời gian sẽ chuyển sang xanh nhạt.


Hoa hồng Anh là loại hoa khá đỏng đảnh. Vậy chị chọn giống hoa như thế nào để phù hợp với khí hậu Việt Nam?

- Hồng Anh là giồng hoa rất ưa lạnh và mỗi một loại hồng được lai tạo ra đều được phân ra theo từng khu vực. Do vậy khi chọn hoa mình thường đọc qua tài liệu để chọn được cây khỏe nhất, hợp với mọi khí hậu và thơm nhất để lấy cánh làm siro, rượu...

Mình có 1 một quyển sách nghiên cứu về tập tính từng loại, mỗi loài có một độ PH riêng. Hiện tại mình chưa có đủ thời gian chăm sóc tối đa từng loài nhưng vẫn đảm bảo để chăm sóc cơ bản nhất cho từng cây.

Các loại hoa gốc Việt Nam mình phải về tận các vùng để lấy được gốc chuẩn, còn đối với hoa hồng nhập, mình nhập loại hồng bareroot (chỉ gồm bộ rễ và từ hai đến ba cành) rồi về chăm sóc bằng phương pháp tự nhiên, không dùng các chất kích cây, kích rễ.

Chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về cách làm đất, chăm sóc cho hoa hồng?

- Đất để trồng hoa được mình xử lý bằng cách trộn 30% xơ dừa, 30% đất, phân trùn quế... Xơ dừa nhập từ Bến Tre, đất là đất phù sa giàu dinh dưỡng và thoát nước cao. Mình thấy mọi người hay trồng cây bằng đất sét nhưng thực tế đất sét khiến cây bị bịt rễ, nặng, không thoát được nước. Hoa hồng là cây cần rất nhiều nước nhưng lại cần thoát nước nhanh nếu không sẽ bị úng rễ.

{keywords}

Những chiếc chậu chuyên dụng được chị Hiền nhập về từ Mỹ để trồng hoa hồng.

Toàn bộ hồng Anh trong vườn đều được trồng trong chậu nhập từ Mỹ. Những chậu này làm bằng vải có khả năng chống tia UV, nhẹ, toát nước dễ, cây thậm chí còn xuyên rễ được qua thân chậu để phát triển tốt nhất. Để bổ sung dinh dưỡng cho hoa, chị dùng dung dịch trùn quế để tưới vào gốc cũng như phun lên lá để chăm sóc cây.

Hoa hồng là loại cây rất dễ bị sâu bệnh, vậy chị phòng chống sâu bệnh cho cây như thế nào?

- Mình thường cho ngâm tỏi, ớt, gừng, thuốc lào, rượu cồn 40% làm hỗn hợp trừ sâu. Hỗn hợp gừng tỏi ớt ngâm càng lâu càng tốt. Nếu trời nắng thì phun 1 tuần/ lần. Nếu mật độ sâu bệnh dày lên thì phun 2, 3 tuần/ lần. Tuy nhiên mình nghĩ hoa hồng có sâu cũng giống như con người bị cảm cúm, ốm, sổ mũi vậy, vấn đề là không để cây bị sâu, ốm, bệnh quá nặng để ảnh hưởng đến cây bị chết, bị yếu. Hiện tại nhiều cây trong vườn vẫn có sâu và một số bệnh thông thường.

{keywords}

Chị Hiền thường thu hoạch hoa vào mỗi sáng sớm.

Còn đối với các loại cây trồng khác trong vườn thì sao?

- May mắn là khu vườn này có khí hậu và thổ nhưỡng tốt nên không phải chăm sóc quá nhiều. Thêm nữa, mình thường phân loại những rác thải sinh hoạt thành rác hữu cơ và rác vô cơ, rác hữu cơ thì sẽ gửi lại các gốc cây để làm phân bón tự nhiên.

Ngoài hồng, cây ăn quả, trong vườn của chị còn có đến hơn 70 loại cây không khí. Nhưng cây không khí chăm sóc thì đơn giản hơn, chỉ cần để lên giàn, lâu lâu tới chút nước là cây có thể sống khỏe.

Được biết chị tạo ra rất nhiều sản phẩm an toàn và có ích từ khu vườn này?

- Hiện tại các loại hoa hồng khi thu được mình sẽ sử dụng tùy theo loại hoa và công dụng. Với hoa hồng bạch, mình ngâm với đường phèn và mật ong để chữa ho cho trẻ nhỏ. Hồng đào thì sấy làm trà, hồng Anh thì phơi và pha cùng trà đen làm trà hoa hoặc ngâm làm siro cũng rất ngon. Ngoài ra mình cũng làm cả xà phòng từ hoa. Tuy nhiên tất cả các sản phẩm không có thường xuyên, vài tháng mới có một mẻ vì phải chờ hoa nở tự nhiên.

{keywords}

Các loại siro, trà hoa làm từ hoa trong vườn.

Để chăm sóc khu vườn rộng thế này, chị có cần nhiều nhân công không?

- Hiện tại, việc chăm sóc, thu hoạch đều do mình và bạn Nguyên (đồng chủ vườn) đảm nhận, trong đó Nguyên phụ trách chính về các vấn đề kĩ thuật. Vì khá kĩ tính nên công việc thu hái chỉ có mình và Nguyên phụ trách, sau khi rửa tay bằng cồn để đảm bảo. Còn lại vào thứ 7 hàng tuần cũng có một số người yêu hoa đến giúp làm cỏ, chăm sóc đơn giản. Những việc như rẫy cỏ, vớt bèo, phụ tưới nước thì mình thuê những người dân địa phương đến giúp đỡ.

Cảm ơn chị Hiền về những chia sẻ thú vị. Chúc chị ngày càng làm ra được nhiều điều kì diệu từ khu vườn này.

(Theo Trí Thức Trẻ)