Cầm cự qua đại dịch

Ngực trái của Minh Thành có xăm ký hiệu “V.W” - tên thương hiệu shop thời trang đã 7 năm tuổi của cậu. Điều đó nói lên tình cảm của Thành dành cho đứa “con cưng”, công sức gây dựng suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ là rất lớn.

Đáng buồn, những đợt càn quét của các làn sóng dịch Covid-19 làm hoạt động kinh doanh của nhãn hiệu thời trang thiết kế này chao đảo theo. Cùng với đó là những lo lắng của chủ shop.

“Trước đây, có tháng tôi bán được 500-600 đơn hàng, giờ một tháng chỉ còn khoảng 150 đơn. Doanh thu giảm từ 300 triệu lúc cao điểm xuống còn 70-80 triệu, tương đương khoảng 1/3. Từ Tết đến giờ là đuối”, Thành nói trong khi mắt vẫn nhìn điện thoại và kiểm tra tình hình các đơn hàng trong ngày. 

Với số lượng người theo dõi trên các trang mạng xã hội lên tới hàng chục nghìn, doanh thu thấp vậy nhưng chi phí quảng cáo online vẫn phải duy trì, bởi nếu không, thương hiệu của shop sẽ dần bị lãng quên. Tính sơ sơ, để duy trì hoạt động kinh doanh, các chi phí đã ngốn của Thành gần 100 triệu đồng mỗi tháng.

{keywords}
Một mẫu quần áo thời trang của shop Minh Thành sắp bán online

“Mở mắt ra là đã mất 2 triệu tiền quảng cáo online. Sáng không thấy đơn hàng đặt là hụt hẫng. Còn đến ngày 20 hàng tháng mà doanh thu không đủ thì tôi bị stress nặng”, chủ shop chia sẻ. Giờ Thành phải dùng đến số tiền tích lũy được để cầm cự và nuôi shop thời trang trong thời điểm này.

Cũng trong tình cảnh giống Minh Thành, Linh - chủ shop kinh doanh phụ kiện thời trang ở huyện Bình Chánh - cho biết, nhu cầu mua sắm của khách hàng giảm nhiều trong bối cảnh dịch bệnh. Doanh thu bán hàng giảm khoảng 30%. 

“Hiện tôi xoay sở bằng cách tham gia bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada và Tiki; đồng thời, chạy thêm các chương trình sale để hút khách, chứ không thì chẳng có khách”, Linh nói.

Ở mảng kinh doanh khác, từ đầu tháng 5, chuỗi 18 chi nhánh thuộc hệ thống karaoke ICool tại TP.HCM cũng phải chuyển sang bán cà phê, thức ăn nhanh tại chỗ và chạy giao hàng trên cả ứng dụng giao đồ ăn. Đây là cách doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này cầm cự khi chính quyền thành phố có lệnh đóng cửa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bật mạnh sang bán hàng online, không dễ

Cả Minh Thành và Linh đều đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bán hàng online, không thuê mặt bằng để điều tiết chi phí. Những shop kinh doanh nhỏ như trên tại TP.HCM không phải là cá biệt.

Ai cũng nghĩ khi dịch bệnh tràn tới, nhu cầu mua sắm tăng cao nhưng thực tế không phải vậy. Đồ ăn và hàng hóa thiết yếu sẽ là hàng hóa bán chạy. Các mặt hàng khác phải lựa theo túi tiền của người tiêu dùng để điều chỉnh giá bán sao cho hợp lý và chạy các chương trình giảm giá thu hút người mua. Những ngành hàng không thiết yếu bị ảnh hưởng đầu tiên.

{keywords}
Doanh số bán giảm khiến ban lãnh đạo thương hiệu thời trang này phải điều chỉnh phương án kinh doanh

Thời trang nằm trong nhóm này và IVY moda, thương hiệu thời trang Việt đình đám, cũng không là ngoại lệ. Doanh số bán hàng offline của thương hiệu này giảm đến 70%, mảng online không có sức bật như năm ngoái.

CEO của IVY moda - Lê Thị Ngọc Linh - đánh giá làn sóng dịch Covid 19 lần này có ảnh hưởng khác hoàn toàn với các đợt dịch hồi tháng 4 hay tháng 8/2020. Đó là sự ảnh hưởng dài và bền bỉ. 

Do đó, Ban lãnh đạo đang giữ phương thức cân bằng động khi ứng phó với các vấn đề gặp phải; theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và điều chỉnh hoạt động bán hàng mỗi ngày. 

“Với doanh nghiệp bán lẻ như IVY thì chuyển đổi số là quan trọng. Hệ thống bán hàng lớn đồng nghĩa chi phí lớn. Năm ngoái, chúng tôi bật mạnh về mảng online, tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada. Thực sự nếu dịch kéo dài nữa thì bắt buộc sẽ phải thu gọn hệ thống bán trực tiếp mới có thể cân bằng được hoạt động”, bà Linh nói.

Đồng tình với việc cần xoay chuyển mô hình hoạt động kinh doanh để thích ứng với đại dịch, TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng, các ngành dịch vụ hiện phải chấp nhận, chung tay phòng, chống dịch vì cộng đồng. “Mặc dù chúng ta đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế song cần thận trọng. Việc giao hàng tận nơi cần được đẩy mạnh, kết hợp với hình thức truyền thống trong thời điểm hiện tại, tránh tụ tập đông người”, ông Thắng nêu quan điểm.

Phân tích sâu hơn từ góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Hoàng Bảo - Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển của trường Đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định, do dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp dần chuyển đổi sang xu thế bán hàng trực tuyến. 

“Khi bán hàng online trở nên phổ biến hơn, cạnh tranh hơn. Một miếng bánh bị xâu xé, đương nhiên khách sẽ vắng”, TS. Bảo nói.

Quan sát hành vi tiêu dùng của người dân, chuyên gia kinh tế đến từ TP.HCM đánh giá, họ không chỉ cắt giảm chi tiêu khi thu nhập giảm mà cả khi thu nhập kỳ vọng cho tương lai không được đảm bảo. Có thể thời gian tới, công việc bấp bênh, không ổn định, người tiêu dùng cần các khoản dự phòng, thắt lưng buộc bụng. Các yếu tố trên tác động trực tiếp lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khi người dân không sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu.

Rõ ràng, thị trường đang gặp phải những khó khăn chung. Số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê nêu rõ, trong 5 tháng đầu năm, gần 60.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục phá sản. Con số trên tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng, có gần 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Ông Bảo đưa ra giải pháp, thay vì tập trung về số lượng thì chú trọng hơn vào chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới.

Đồng thời, do giảm doanh thu nên các mô hình kinh doanh cần thay đổi về cấu trúc chi phí, như cắt giảm chi phí thuê văn phòng hay thuê mặt bằng khi không hiệu quả. Các xáo trộn cũng là cơ hội để tìm kiếm thị trường, khách hàng mới nếu doanh nghiệp có các lợi thế về chi phí, sản phẩm, chất lượng và kênh phân phối đa dạng, đặc biệt là biết cách tận dụng lợi thế Internet.

“Dịch Covid-19 tạo cơ chế ngầm giúp cho tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam, đó là điểm tích cực hiện nay. Hoàn cảnh này khiến doanh nghiệp phải tích hợp big data để sử dụng, giúp doanh nghiệp sống cùng đại dịch. Buộc phải thay đổi hoặc là chết”, ông Bảo nhận định.

Quảng Định