Gần đây, Samsung tuyên bố sắp ra mắt chiếc điện thoại giá rẻ Samsung Galaxy M20 tại thị trường Việt Nam. Giá bán dự kiến là 5 triệu đồng với cấu hình chip Exynos 7904, RAM 3GB bộ nhớ trong 32GB cùng với viên pin khủng 5000mAh.

Mức giá này được nhận định là rất cạnh tranh so với sản phẩm khác trên thị trường, đối đầu trực tiếp với các điện thoại đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei...

Nhiều khách hàng tỏ ra hào hứng vì Samsung là một thương hiệu điện thoại có uy tín tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với những fan công nghệ không ít người lại cảm thấy hụt hẫng bởi do trước đó tại thị trường Ấn Độ, Samsung đã bán chiếc Galaxy M20 với cấu hình tương tự chỉ với 11000 Ruppee (tương đương gần 3,6 triệu đồng).

{keywords}
Samsung M20 đang được rao bán tại Ấn Độ với mức giá 10990 Ruppee. Ảnh: Amazon.in

Anh Nam, một người tiêu dùng cho biết: "Ban đầu, khi đọc thông tin tôi rất thích chiếc Samsung Galaxy M20 này và dự định mua biếu bố mẹ. Nhưng khi biết mức giá bán là 5 triệu đồng tôi phải cân nhắc lại. Dù đây là một chiếc điện thoại tốt nhưng khoảng chênh lệch tận 1,4 triệu giữa thị trường Việt Nam và Ấn Độ làm tôi cảm thấy không thoải mái".

Trước đó, Samsung cũng ưu đãi thị trường Trung Quốc khi ra mắt chiếc điện thoại Samsung Galaxy A6s với cấu hình RAM 6GB, bộ nhớ trong 64 GB, bộ vi xử lý S660 cùng với mặt lưng chuyển màu Gradient nổi bật. Phiên bản này chỉ được bán ở Trung Quốc, khách hàng Việt Nam nếu muốn sử dụng thì phải mua dưới dạng hàng xách tay với giá khoảng 5 triệu đồng.

Trên các diễn đàn công nghệ, có nhiều ý kiến bày tỏ sự ghen tỵ với những khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ do nhận được nhiều sự ưu đãi. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng sở dĩ điện thoại Samsung ở Việt Nam có giá cao hơn là do được sản xuất trong nước, chất lượng cao hơn hàng sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc. Theo một số ý kiến khác, nguyên nhân chính giá điện thoại ở Việt Nam đắt bởi vì dành chiết khấu cao cho hệ thống phân phối, bán hàng.

{keywords}
Apple cũng phải nhún nhường tại Trung Quốc. Ảnh: Forbes

Đây không phải là chuyện riêng của mỗi hãng điện thoại Samsung. Chiếc điện thoại Nokia 8.1 tại Việt Nam có giá bán chính thức là 8 triệu đồng trong khi phiên bản tương tự ở thị trường Trung Quốc là Nokia X7 chỉ khoảng 1.700 Nhân dân tệ (khoảng 5,8 triệu đồng). Một số khách hàng trong nước đã lựa chọn mua chiếc Nokia X7 xách tay vì giá rẻ dù không được bảo hành chính hãng.

Ngay cả đến Apple cũng phải giảm giá các model iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone XR từ 17-20% tại thị trường Trung Quốc để chiều lòng khách hàng tại quốc gia này. Đây được coi là động thái nhượng bộ chưa từng có của hãng sản xuất điện thoại Mỹ vốn có truyền thống bảo thủ, hay làm cao.

Vậy có hay không chuyện người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua điện thoại với giá đắt?

Câu trả lời là tùy vào chính sách của từng hãng điện thoại mà có những sản phẩm ở Việt Nam rẻ hơn và cũng có những sản phẩm đắt hơn so với thị trường thế giới.

{keywords}
Samsung và Xiaomi đang chiếm 60% thị phần smartphone tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường được các hãng sản xuất đặc biệt ưu đãi. Với tổng dân số gần 3 tỷ người, chiếm được hai thị trường này có ý nghĩa sống còn với các hãng smartphone.

Tại Ấn Độ, cuộc chiến giành thị phần giữa Samsung và Xiaomi diễn ra vô cùng khốc liệt. Điện thoại Xiaomi vốn nổi tiếng giá rẻ, cấu hình cao lại còn chiều lòng người dùng Ấn Độ bằng cách tùy biến các phần mềm cho phù hợp với văn hóa bản địa. Samsung đáp trả bằng cách xây dựng nhà máy lớn nhất thế giới tại đây, cùng với chiến lược giá vô cùng ưu đãi, điển hình như chiếc Samsung Galaxy M20  vừa qua.

Do có quy mô thị trường nhỏ, các khách hàng Việt Nam rất khó có thể nhận được các ưu đãi tương tự.

Hoàng Hiệp