Xe Thái lấn lướt

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 8/2019, Việt Nam đã chi 2,136 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng) để nhập khẩu 95.929 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, ô tô từ Thái Lan chiếm hơn 50%. Cụ thể, có 56.792 xe nguyên chiếc nhập từ Thái Lan, giá trị 1,1 tỷ USD. Riêng tháng 8/2019 tổng ô tô nhập  khẩu đạt 9.412 chiếc các loại thì nhập từ Thái Lan là 4.266 chiếc.

Việt Nam đang trở thành thị trường nhập khẩu ô tô lớn từ Thái Lan. Với đà này, dự kiến cả năm 2019 kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD với khoảng 80.000 xe.

Giá xe nhập bình quân từ Thái Lan hiện nay là 19.369 USD/chiếc (tương đương hơn 450 triệu đồng), chưa bao gồm các loại thuế phí. Tuy nhiên, theo các DN, giá xe nhập từ Thái Lan sẽ còn giảm, dự báo sẽ xuống dưới 400 triệu đồng, do thị trường này đang bão hòa và sản lượng ô tô tăng nhanh nên có những chính sách khuyến khích xuất khẩu.

{keywords}
Hơn một nửa ô tô nhập khẩu về Việt Nam là từ thị trường Thái Lan (ảnh minh họa)

Theo Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, năm 2019, dự báo ngành công nghiệp ô tô Thái Lan sẽ đạt sản lượng 2,15 triệu xe. Trong đó 1,05 triệu xe được bán tại thị trường nội địa, số còn lại xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu ô tô từ Thái Lan sang châu Âu đang gặp khó khăn phải tạm dừng, vì vậy, sẽ tập trung vào thị trường châu Á.

Thái Lan dự kiến sẽ nâng sản lượng ô tô lên 2,5 triệu xe vào năm 2020, trong đó xuất khẩu chiếm hơn 50%. Các thị trường ô tô lớn nhiều tiềm năng rất được quan tâm chú ý.

Việt Nam có thị trường ô tô tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt quy mô 1 triệu xe/năm sau năm 2025, không những thế lại rất gần Thái Lan về địa lý cùng hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, do đó luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Các DN ô tô cho rằng, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%, đã tạo ra cạnh tranh gay gắt. Trong đó, đối thủ Thái Lan là “nặng ký” nhất. Thái Lan với nền công nghiệp ô tô đã phát triển, được mệnh danh là Detroit tại châu Á, có quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn toàn cầu, có thể xuất khẩu đi Mỹ, EU, Úc,... hơn hẳn xe sản xuất tại Indonesia. Với sản lượng lớn và lợi thế cạnh tranh về giá, ô tô Thái Lan sẽ khiến các DN ô tô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thậm chí là rủi ro.

Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty TC Motor, chỉ cần Thái Lan “bật đèn xanh”, các DN ô tô sẵn sàng đại hạ giá sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam trong một thời gian thì DN ô tô Việt Nam khó trụ nổi. Khi đó, thị trường sẽ thuộc về Thái Lan và tiếp theo là bị thao túng. Đây là điều các DN ô tô Việt Nam lo ngại nhất và không mong điều này thành hiện thực.

Dù đã lường trước tác động xe nhập khẩu đổ bộ vào Việt Nam, ông Lê Ngọc Đức vẫn tỏ ra quan ngại. Qua 8 tháng đầu năm, DN vẫn cầm cự được, duy trì đều sản lượng cho các dòng xe, nhưng nếu tình hình này kéo dài thì sẽ yếu dần, ông Đức lo ngại.

Xe nội có đấu được xe ngoại?

Mới đây, Công ty ô tô Trường Hải đã đầu tư 450 tỷ đồng để mở rộng nhà máy ô tô Kia từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm. Tính ra, đến nay riêng Trường Hải có một nhà máy ô tô Mazda công suất 50.000 xe/năm, một nhà máy ô tô Kia công suất 50.000 xe/năm và một nhà máy Peugeot công suất 20.000 xe/năm.

Công ty TC Motor có nhà máy lắp ráp xe con, công suất 50.000 xe/năm. Toyota Việt Nam cũng có nhà máy công suất 50.000 xe/năm. Lớn nhất là Vingroup, với nhà máy ô tô Vinfast công suất giai  đoạn I đạt 250.000 xe/năm. Đó là chưa kể đến công suất nhà máy ô tô của Honda, Mitsubishi Việt Nam,...

{keywords}
Các DN ô tô trong nước lo ngại không thể cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu

Hiện tại, tổng công suất sản xuất lắp ráp ô tô dới 9 chỗ ngồi trong nước đã vượt 500.000 xe/năm. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các DN dự kiến năm 2019 chỉ đạt khoảng 250.000 xe. 

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện chỉ có 11 mẫu xe đạt sản lượng từ 6.000 xe/năm trở lên. Cao nhất là Vios của Toyota Việt Nam đạt 27.000 chiếc/năm, tiếp đến là Grand i10 của Hyundai Thành Công đạt 22.000 chiếc/năm; còn lại đều từ 6.000-15.000 xe/năm. Trong khi, theo tính toán, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, một mẫu xe phải đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm, gấp đôi doanh số tiêu thụ của những mẫu xe bán chạy nhất hiện nay thì mới có hiệu quả.

Ông Lê Ngọc Đức đánh giá, làm thương mại dễ dàng và an toàn hơn so với sản xuất có nhiều rủi ro. Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải, cho rằng ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc rất nhiều vào quy mô và sản lượng. Nếu không có sản lượng lớn thì sẽ gặp khó khăn. Cạnh tranh với xe nhập khẩu giờ thật sự căng thẳng.

Không chỉ Thái Lan mà Indonesia cũng nhòm ngó thị trường ô tô Việt Nam. Năm 2019, Indonesia dự kiến xuất sang Việt Nam hơn 40.000 xe, kim ngạch khoảng 600 triệu USD và hướng tới 1 tỷ USD những năm tới.

Theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do (CPTPP) đã ký kết, Việt Nam sẽ giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 7-9 năm nữa. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chúng ta cũng cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô về 0% sau 9-10 nữa.

Như vậy, tới năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.

Thị trường ô tô Việt Nam phân khúc 9 chỗ ngồi trở xuống có mức tăng trưởng 31% từ đầu năm đến nay - cao hàng đầu thế giới. Các DN nhận định năm 2019 doanh số bán sẽ vượt 300.000 xe. Tuy nhiên, xe nhập ngày càng chiếm lĩnh thị trường.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và mở cửa thị trường, nếu không đẩy mạnh phát triển và đứng vững, sau 2025. ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó tồn tại và thị trường bị thôn tính.

Trần Thủy