"Trước Tết, chúng tôi cứ tin rằng dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kỳ vọng dịp Tết Nguyên đán sẽ giúp cải thiện lượng khách để lấy đà qua Tết dần hồi phục, nhưng cuối cùng phải đột ngột ngừng hoạt động ngay sát Tết. Lần đóng cửa này, chúng tôi thật sự chới với", ông Lê Hoàng Việt - đại diện chuỗi karaoke Nnice chia sẻ với Zing.
Ngân sách thâm hụt nặng nề sau một năm đại dịch
Hiện Nnice có 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP.HCM, với số lượng nhân sự lên đến hàng trăm người. Giai đoạn đóng cửa vừa qua, những lao động này chỉ nhận được mức trợ cấp vài triệu đồng, thấp hơn năm 2020 và không đủ trang trải cho các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.
Theo ông Lê Hoàng Việt, nhiều nhân viên trong hệ thống tạm thời chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Số khác về quê để không phải chi trả tiền thuê trọ và mức phí sinh hoạt đắt đỏ ở TP.HCM.
Trong khi đó, về phía chủ đầu tư, doanh nghiệp không những mất sạch nguồn thu mà còn phải vay mượn khắp nơi để trợ cấp cho nhân viên, bảo trì máy móc thiết bị, trả tiền thuê mặt bằng, chi trả lãi vay... Thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Một chi nhánh karaoke của Nnice tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: L.A. |
"Vào những giai đoạn được hoạt động trong năm 2020, tình hình kinh doanh cũng không khả quan, cứ bùng phát dịch bệnh rồi lại đóng cửa dài ngày. Ngân sách công ty thâm hụt nặng nề. Giờ chúng tôi chỉ biết xoay trở dòng tiền cho từng tháng để cố gắng cầm cự", đại diện Nnice chia sẻ.
Một chủ đầu tư nhiều quán bar ở TP.HCM thậm chí còn nói với Zing: "Cứ mỗi tháng tôi bay mất 1-2 căn nhà".
Theo vị này, nhiều đồng nghiệp trong ngành cũng rơi vào tình thế tương tự. Các chủ mặt bằng đã hỗ trợ giảm giá thuê khoảng 30-70% suốt năm 2020, do đó đến năm nay, họ buộc phải thu đủ 100% để bảo đảm thu nhập.
Trong khi đó, doanh nghiệp nếu chậm trả lãi vay ngân hàng sẽ bị nâng mức nợ xấu, còn nếu không đóng bảo hiểm xã hội thì nhân viên đi khám chữa bệnh không được hưởng quyền lợi...
"Toàn ngành đều đóng băng, rất đau đầu. Tôi chỉ mong đón khách trở lại để có người đến tiêu tiền, bù vớt phần nào thiệt hại hơn 1 năm qua", ông chia sẻ.
Mở lại nhưng không tìm ra khách
Chiều 19/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký công văn khẩn cho phép các vũ trường, quán bar, karaoke hoạt động trở lại nhưng phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Quyết định có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành.
Mặc dù vậy, vị chủ đầu tư nói trên vẫn cho rằng khi quán bar hoạt động trở lại cũng không có khách hàng, bởi tình thế hiện nay khó khăn gấp mấy lần năm ngoái. Những lần đầu đóng cửa, người dân còn mong chờ quán bar mở lại để đáp ứng nhu cầu giải trí, tụ tập bạn bè, còn nay họ dần có xu hướng "thắt lưng buộc bụng".
Đây cũng là đánh giá của ông Hoàng Việt, chủ một quán bar ở phường Bến Nghé, quận 1.
"Cái khó của ngành giải trí về đêm ở TP.HCM hiện nay là có mở cửa cũng không có khách, đến khu vực trung tâm còn tê liệt, dạo một vòng chỉ thấy 'cửa đóng then cài'. Không biết người ta còn đủ sức duy trì không hay phải đóng cửa vĩnh viễn", ông nói.
Thực tế, sau khi xin ý kiến của chính quyền địa phương, cơ sở kinh doanh của ông Hoàng Việt đã đón khách trở lại từ trước nhờ được xem xét như một không gian ăn uống, nghe nhạc sống nhẹ nhàng, chứ không phải một quán bar thuần túy.
Tuy vậy, ông cho biết việc hoạt động những ngày này chỉ nhằm duy trì công ăn việc làm cho nhân viên và có "đồng ra đồng vào", chứ gần như không có nguồn thu.
Theo ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc Marketing của hệ thống Kingdom gồm các nhà hàng, quán karaoke, bar và pub ở TP.HCM, lượng khách nói chung của năm 2020 giảm 50% so với năm 2019.
Đến hiện tại, thống kê tại các cơ sở nhà hàng và quán pub đang hoạt động cho thấy lượng khách tiếp tục giảm thêm 50% so với mức năm ngoái.
Do đó, những người trong ngành nhận định nếu không có đợt bùng phát dịch nào sau này thì sớm nhất cũng phải đến quý III, tình hình kinh doanh của các cơ sở mới có tín hiệu khả quan.
(Theo Zing)