Chia sẻ với PV. VietNamNet, anh Hồ - một chủ vựa thu mua mít Thái ở Hậu Giang - cho biết, giá mít Thái thu mua tại vườn đang giảm mạnh do không thể xuất khẩu đi Trung Quốc.
Theo anh Hồ, bình thường vựa mít của anh vẫn thu mua khoảng 15-20 tấn mít Thái của các nhà vườn ở Hậu Giang để xuất bán qua Trung Quốc. Thế nhưng, từ Tết đến giờ, do dịch bệnh viêm phổi cấp, phía Trung Quốc đã tạm ngừng mua hàng khiến giá loại trái cây này giảm “chạm đáy”.
Trước Tết Nguyên đán, giá mít thu mua tại các nhà vườn vẫn ở mức 25.000-30.000 đồng/kg tùy loại, còn hiện giờ giá mít loại 1 (quả từ 9 kg trở lên) giá chỉ 7.000 đồng/kg, loại 2 (quả từ 7-9 kg) giá 5.000 đồng/kg, loại 3 (quả dưới 7kg) giá chỉ 4.000 đồng/kg. Nếu mua xô thời điểm này giá cũng chỉ dao động trong khoảng 5.000-6.000 đồng/kg.
Giá mít Thái đang giảm mạnh vì Trung Quốc ngừng mua |
“Giá rẻ nhưng lượng mít tiêu thụ vẫn rất chậm. Một số nhà vườn đến ngày thu hoạch mít, thấy giá rẻ quá, gọi thương lái đến mua không được đành phải tự cắt đem gửi cho người nhà ở các tỉnh lân cận bán lẻ”. Anh Hồ nói và cho biết, với giá mít như hiện nay, những nhà vườn đang phải thuê đất trồng thì lỗ nặng.
Trong khi đó, Lê Văn Nam, một đầu mối thu mua mít Thái ở Hậu Giang, cũng thừa nhận giá mít đang giảm rất mạnh do dư cung.
“Do virus corona nên mít giờ không xuất được sang Trung Quốc, thị trường nội địa cũng chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ nên thương lái chúng tôi chỉ dám thu mua cầm chừng, thậm chí một số người còn dừng hẳn việc thu mua tại các nhà vườn”, anh Nam chia sẻ.
Ở xã Phú Hữu (Châu Thành - Hậu Giang), ông Nguyễn Văn Khánh như ngồi trên đống lửa khi vườn mít Thái 5.000 m2 của gia đình ông đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua. "Mít thu hoạch giờ chỉ bán cho các chợ và quầy sạp dọc đường với giá rất thấp; giá ngày 30/1 là 10.000 đồng mỗi kg, nay giảm còn 7.000 nhưng không ai mua", ông Khanh than thở.
Nhiều nông dân khác ở huyện Châu Thành đốn bỏ vườn cây ăn trái đặc sản như măng cụt, chôm chôm, bưởi Năm Roi... để trồng mít Thái cũng đang rất lo lắng vì đầu ra ách tắc.
Nhà vườn trồng mít như ngồi trên đống lửa vì mít đến ngày thu hoạch nhưng thương lái hạn chế thu mua |
Trước tình trạng giá mít giảm mạnh, bế tắc đầu ra do Trung Quốc không mua, Sở NN-PTNT Hậu Giang khuyến cáo bà con nông dân trồng mít cần bình tĩnh, cắt vụ, dưỡng cây, chờ thị trường khôi phục thì mới tập trung cho mít ra trái trở lại.
Hiện diện tích mít tại Hậu Giang lên tới khoảng 3.000ha. Lượng mít thu hoạch mỗi năm chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc.
Tương tự, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân trồng mít cũng đang khóc ròng vì giá mít giảm khiến họ thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Các nhà vườn ở huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trước Tết Nguyên đán thương lái thu mua mít giá loại 1 là 40.000 đồng/kg, loại 2 là 30.000 đồng/kg, loại 3 là 18.000 đồng/kg. Song, hiện nay mít Thái đột ngột rớt giá chỉ còn 7.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi giá giảm chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg khiến các nhà vườn thiệt hại lớn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - một nhà vườn trồng hơn 400 gốc mít Thái than, giá mít giảm xuống thấp lại không có người mua, anh đã gọi mấy mối thương lái vào vườn cắt mà ai cũng lắc đầu từ chối vì mít không xuất khẩu được đi Trung Quốc.
"Giá này tôi lỗ cả trăm triệu đồng. Đó là trường hợp nếu bán được hết số mít trong vườn, còn không bán được thì lỗ nhiều hơn", anh nói.
Chiều 3/2, tại hội nghị tìm giải pháp cho nông sản Việt Nam trước tác động của dịch bệnh corona, ông Nguyễn Đình Tùng - Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, dịch viêm phổi do virus corona gây ra lập tức tác động mạnh đến giá các loại nông sản; DN xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc bị tê liệt. Thương lái đã đặt cọc cũng bỏ luôn không mua nữa do giá xuống quá thấp, khiến nông dân thiệt hại nặng nề.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương - dự báo xuất nhập khẩu nông sản sẽ bị ảnh hưởng từ 6-8 tháng do tác động từ dịch bệnh corona.
Trước mít Thái, ở Long An, Bình Thuận, người nông dân cũng khóc ròng vì giá thanh long giảm còn 4.000-8.000 đồng/kg, doanh nghiệp hủy mua. Hay ở các tỉnh Tây Nguyên, Bình Thuận,... giá dưa hấu cũng chỉ còn 1.000 đồng/kg, xe chở dưa phải đổ đống trên vỉa hè bán giá rẻ như cho cũng bởi ảnh hưởng bởi dịch bệnh corona.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, từ mùng 1 Tết Canh Tý, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2, nếu dịch diễn biến phức tạp sẽ kéo dài thời gian đóng chợ, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vì thế càng gặp khó.
Hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan gồm thanh long, dưa hấu, mít,... trong đó xe chở thanh long là chủ yếu, chiếm khoảng 190 xe.
Châu Giang