Ghi nhận của PV. VietNamNet trong ngày đầu tháng 10/2021 ngay sau nới dần giãn cách, các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng sửa chữa, bán phụ kiện điện thoại như đường Trần Quang Khải (quận 1) và đường 3/2 (quận 10) thường xuyên trong tình trạng đông khách. Nhiều người phải chờ đợi từ 20-30 phút mới được phục vụ.

Nhân viên tại cửa hàng điện thoại Phương Anh (quận 10) cho biết, từ khi người dân được đi lại thoải mái, lượng người đến đông như Tết mà nhân viên không đủ, đặc biệt là trong hai ngày cuối tuần vừa qua, khách đến tìm mua ốp lưng thay mới và dán cường lực rất nhiều.

Do quá đông khách, cửa hàng này đã phải bố trí hai người ngồi trên ghế cao, quay lưng ra ngoài đường, trực tiếp quan sát khách và thực hiện việc thu tiền. Bên trong, nhân viên dán màn hình, vệ sinh điện thoại làm việc không xuể. “Nhanh tay lên nào. Mấy bạn dán cường lực cố gắng đẩy nhanh tốc độ lên”, người phụ nữ ngồi trên ghế nói liên tục qua micro.

{keywords}
Các cửa hàng điện thoại trên đường 3/2 (quận 10) đông đúc sau khi nới lỏng giãn cách (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Nhu cầu tân trang máy như vệ sinh, dán kính cường lực tăng cao (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Nhân viên ngồi trên cao quan sát và thu tiền vì khách quá đông (ảnh: Trần Chung)

Uớc tính, khách giao dịch tại cửa hàng phải đến vài trăm lượt người mỗi ngày. Mức giá dán kính cường lực cho điện thoại khảo sát của các cửa hàng thời điểm này từ 25.000-50.000 đồng, còn ốp điện thoại tùy loại, giá từ 50.000-150.000 đồng.

Thu Hậu (quận 10) cho hay, thời gian giãn cách ở nhà, cô thường xuyên dùng điện thoại để xem hướng nấu ăn trên youtube và thực hành chế biến món ăn nên điện thoại bị bám dầu mỡ. Được phép đi lại, Hậu tìm đến tiệm vệ sinh máy ngay.

Chị Ngọc Dung (quận 5) chia sẻ, điện thoại không may bị rơi và rạn màn hình nên dùng rất khó chịu. Cửa hàng điện thoại gần nhà chưa mở nên chị phải tìm đến các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng để sửa.

Trong khi đó, các cửa hàng sửa chữa, bán phụ kiện điện thoại tại đường Trần Quang Khải (quận 1) đều hạn chế cho khách trực tiếp vào bên trong. Chủ kinh doanh phủ kín lớp bạt ni long trong suốt chắn ngay cửa, khách có yêu cầu sẽ nói với nhân viên từ bên ngoài lớp bạt.

{keywords}
Cửa hàng sửa chữa điện thoại tại quận 1 sử dụng bạt nilon ngăn cách với khách bên ngoài (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
 Một số dịch vụ, mặt hàng chưa đáp ứng được như cầu của khách do ảnh hưởng của dịch bệnh (ánh: Trần Chung)

Các ngày nghỉ, lượng khách tăng đột biến ở các cửa hàng điện thoại khu vực này. Tuy nhiên, một số cửa hàng không thể cung cấp dịch vụ vệ sinh máy do thiếu nhân viên đi làm hoặc lượng ốp lưng còn ít do hàng chưa thể về.

“Tôi đến cửa hàng đặt mua ốp lưng mới cho điện thoại  nhưng hai ngày rồi vẫn chưa có loại ưng ý trong khi dòng điện thoại tôi dùng khá phổ biến”, anh Phan Thành Cự (quận 1) nói.

Kể từ khi “bình thường mới” (1/10), các dịch vụ đặc biệt đông khách tại TP.HCM là cắt tóc, sửa xe. Khách tìm đến phục vụ nhu cầu cá nhân sau một thời gian dài không được đáp ứng. Đáng chú ý, lượng người xuất hiện tại các cửa hàng vàng khá đông.

Cắt tóc nam kín lịch vì nhiều nam giới đã không cắt tóc ít nhất từ ngày 9/7, khi TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16. Ngoài ra, xe máy lâu không đi dẫn đến việc chết ắc quy, không nổ được nên máy nên tiệm sửa xe cũng rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, để có tiền sinh hoạt hoặc lấy vốn kinh doanh do đã cạn tiền sau thời gian dài giãn cách, không có việc làm và thu nhập, nhiều người dân phải đến cửa hàng vàng để bán hoặc cầm vàng.

Trần Chung

Tiệm vàng Sài Gòn bất ngờ đông khách, bán vàng ăn tiêu 'bình thường mới'

Tiệm vàng Sài Gòn bất ngờ đông khách, bán vàng ăn tiêu 'bình thường mới'

Ngày đầu “bình thường mới”, các dịch vụ đông khách tại TP.HCM là cắt tóc, sửa xe, phục vụ nhu cầu cá nhân. Đáng chú ý, nhiều người thực hiện giao dịch bán vàng để lấy tiền sinh hoạt.