“TPP là hiệp định thương mại tinh vi và phức tạp nhất trong lịch sử thế giới. Toàn văn TPP gồm 5.544 trang, khi in ra sẽ có một chồng văn bản cao gần 1 mét, nặng 45kg. Tôi phải thú nhận là tôi không thể nào nhớ được toàn bộ nội dung của 5.544 trang này”.

Đây là chia sẻ của ông Nestor Scherbey - Cố vấn cấp cao liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) nhấn mạnh tại hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam 2016 với chủ đề: “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” diễn ra ngày 8/4.

Với lượng thông tin quá dày thế này, doanh nghiệp PHẢI thấu hiểu và áp dụng chính xác các quy tắc xuất xứ vô cùng phức tạp và dễ nhầm lẫn.

“Hầu hết các quy định phức tạp trong hệ thống phân loại thuế quan, hay mã số HS (*), định giá hải quan... đều được xáo trộn một cách mới lạ để đưa vào quy tắc xuất xứ của TPP”, ông Nestor cảnh báo.

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Linked In.

Ví dụ với ngành dệt may, thông tin về ngành này sẽ rơi vào chương 62 của HS. Trong đó, dệt may và nguyên phụ kiện được chia vào nhiều nhóm khác nhau như: Nguyên phụ liệu, sản phẩm không dệt, móc... được xếp từ chương 62.01 - 62.08. Và trong mỗi chương lại có ngoại lệ. Và mỗi ngoại lệ lại có ngoại lệ của ngoại lệ.

Tương tự như hàng hóa dệt may, bất cứ sản phẩm nào chúng ta xuất sang các nước TPP chúng ta đều phải trả lời câu hỏi: Có bao nhiêu thành phần, nguyên phụ liệu dùng để sản xuất ra một sản phẩm này? Các thành phần này xuất xứ từ đâu? Mã số HS của từng nguyên phụ liệu tạo nên sản phẩm là gì?...

Phải nắm được công thức để phân loại hàng hóa thuộc mã số nào và áp dụng mức thuế nào, có thể hưởng lợi từ TPP hay không.

“Như tôi đã nói, thương mại dự do thực chất không hề tự do. Và chúng ta phải làm rất nhiều việc để giành được sự tự do này”, ông Nestor nhấn mạnh.

Chuyện gì xảy ra nếu doanh nghiệp do cố tình, hoặc vô tình không nắm được chính xác thông tin và khai nhầm mã HS?

“Đây chính là thảm họa của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế và chịu chế tài có thể rất nặng nề”, ông Nestor nói.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của mình. Nhưng việc tự chứng nhận này, hồ sơ phải lưu trong 5 năm để phục vụ công tác hậu kiểm. Hải quan các nước TPP có thể sang Việt Nam lục lại hồ sơ xem có chuẩn, có chính xác với các quy định trong TPP. Nếu không chính xác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu chế tài.

“Hoạt động thương mại tự do không thể vận hành trong gian lận, mà chỉ có thể vận hành khi tính tuân thủ được đề cao. Nếu không thể thực hiện được, chúng ta sẽ có cảm giác như một anh chàng tuyệt vọng”, cố vấn cấp cao của VTFA ví von.

“Thực tế đây không phải cơ hội – cái mà chúng ta bàn trước giờ. Chúng ta còn rất nhiều việc cần làm để tận dụng TPP. Hãy tập trung vào thách thức đi, đừng nhìn cơ hội nữa!”, ông Nestor nhắn nhủ.

(*) Mã HS hay HS Code là mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới phát hành có tên là “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” (HS - Harmonized Commodity Description and Coding System).

Mã này được dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu hàng hóa.

(Theo Trí thức trẻ)