Thẻ tín dụng mang đến nhiều tiện lợi cho người sử dụng, nhưng cần lưu ý loại thẻ này không chỉ có 1 hay 2 loại phí thông thường.

Hiện nay, hàng loạt ngân hàng trong và ngoài nước đang chạy đua phát hàngân hàng thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân nhằm mở rộng hoạt động, tăng doanh thu trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng khá chậm. Tuy vậy, do chạy theo số lượng, không ít ngân hàng đã “quên” tư vấn chi tiết cho khách về các nghĩa vụ của họ khi sử dụng thẻ tín dụng.

Bị phạt chậm đóng phí thường niên

Chị Thu An (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) mới đây tá hỏa khi ngân hàng thông báo thu phí trễ hạn đóng phí thường niên, dù chị chưa bắt đầu sử dụng thẻ. Đi nộp phạt chị mới biết khi bàn giao thẻ cho khách là ngân hàng đã tự động kích hoạt thẻ và phí thường niên phải được thanh toán ngay. Vì sơ sót này, thay vì chỉ đóng phí thường niên 300.000 đồng, chị An đã phải đóng tổng cộng 500.000 đồng (phí phạt trễ hạn 200.000 đồng là mức tối thiểu mà ngân hàng này áp dụng). Hiện mức phí phạt trễ hạn hay phí chậm thanh toán các ngân hàng áp dụng phổ biến từ 3-4% (tối thiểu từ 50.000 - 200.000 đồng).

Ngoài phí thường niên được các ngân hàng áp dụng cho thẻ tín dụng từ 100.000 - 1.000.000 đồng/năm/thẻ, tùy theo loại thẻ chuẩn hay thẻ vàng, thẻ platium (thường các ngân hàng nước ngoài có mức phí cao hơn ngân hàng trong nước), người sử dụng nên chú ý đến các loại phí khác mà ngân hàng áp dụng khá cao như phí rút tiền mặt thông thường là 4% giá trị giao dịch (một số ngân hàng có áp dụng mức tối thiểu từ 50.000 - 200.000 đồng/giao dịch). Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn tính thêm lãi suất trên số tiền chủ thẻ đã rút ra; tính phí giao dịch quốc tế hay có nơi gọi là phí chuyển đổi ngoại tệ từ 2 - 3,5% trên giá trị giao dịch; phí mất thẻ/thất lạc là 200.000 đồng/lần/thẻ…

{keywords}

Như vậy, chỉ cần thanh toán trễ hạn hai lần trong một năm thì số tiền chủ thẻ bị phạt có thể còn cao hơn cả phí thường niên. Đặc biệt, lãi suất tính trên tổng số ngày dư nợ thực tế sẽ lên đến mức 24 - 25%/ năm.

Đó là chưa kể nhiều chủ thẻ khá chủ quan, không lưu giữ các hóa đơn giao dịch của mình để cuối kỳ đối chiếu bảng kê giao dịch từ ngân hàng. Khi đó, nếu muốn được cấp lại bản sao hóa đơn giao dịch, chủ thẻ phải trả 80.000 - 100.000 đồng/lần; phí cấp lại số PIN là 30.000 - 50.000 đồng/lần. Chưa hết, ngân hàng cũng sẽ thu những loại phí khác khi chủ thẻ có yêu cầu như phí cung cấp lại bản sao kê, phí khiếu nại sai, phí thay đổi loại thẻ, phí thay đổi hạn mức…

Cẩn trọng khi sử dụng thẻ

Bên cạnh việc lưu ý về các loại phí, chủ thẻ tín dụng cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng. Chẳng hạn, với thẻ ATM nếu chẳng may bị mất, kẻ gian phải tốn thời gian dò tìm số PIN để rút tiền; còn với thẻ tín dụng kẻ gian có thể cầm đi thanh toán ở các cửa hàng, trung tâm thương mại vì thực tế thu ngân ở những nơi này thường chỉ lấy thẻ quẹt trừ tiền mà không cần biết người dùng có đúng là chủ thẻ hay không. Vì thế, ngay khi phát hiện bị mất thì chủ thẻ nên gọi điện thông báo ngay với ngân hàng để tạm khóa thẻ. Hiện hầu hết các ngân hàng đều đã có dịch vụ thông báo biến động giao dịch vào điện thoại di động; chủ thẻ nên đăng ký dịch vụ này nhằm kịp thời phát hiện những giao dịch bất thường mà không phải mình thực hiện để thông báo với ngân hàng xử lý.

Việc sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng trực tuyến cũng dễ bị mất thông tin thẻ. Các ngân hàng đã liên tục khuyến cáo khách hàng hãy thận trọng, tránh những đường link giả mạo hệ thống website của ngân hàng để lấy cắp thông tin của chủ thẻ.

Ngày 26/4 vừa qua, Vietcombank cũng thông báo những email giả mạo hệ thống Internet Banking cùng với yêu cầu đăng nhập ngân hàng nhằm mục đích cập nhật, kiểm chứng thông tin, nhờ nhận tiền, hoặc thậm chí là để hỗ trợ công tác bảo mật tài khoản… Đây là một trong những hình thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay liên quan đến các giao dịch trên internet. Vì vậy, trước khi nhập số tài khoản thẻ cũng như các thông tin khác, hãy kiểm tra để chắc chắn trang web định mua là an toàn.

Theo Thanh Niên