Thị trường chứng khoán đang nháo nhào bởi thông tin: tổ chức tín dụng (TCTD) cấp tín dụng kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ và chỉ áp dụng đối với đơn vị có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ. Người trong cuộc nói gì về vấn đề này?
Theo ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng thuộc Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), chiểu theo quy định tại khoản 5, điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng: "Giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do NHNN quy định", tại dự thảo sửa đổi Thông tư 13 sắp ban hành, NHNN đang dự kiến những giới hạn và điều kiện để các tổ chức tín dụng cấp tín dụng với đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khá cụ thể.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Giải thích giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng cho vay kinh doanh đầu tư cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ tại dự thảo sửa đổi Thông tư 13 (trước đây) sắp ban hành, ông Huyền Anh nói: "Không nên nhầm lẫn tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán ở mức 20% vốn điều lệ để rồi nói là NHNN siết vì hai khái niệm khác nhau. Chứng khoán là giấy tờ có giá, bao hàm cả trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN, cổ phiếu...; trong khi, cổ phiếu chỉ là một danh mục nằm trong chứng khoán".
Theo ông, quy mô vốn điều lệ ở nhiều ngân hàng là khác nhau. Với các ngân hàng cổ phần,vốn điều lệ thấp nhất là 3 nghìn tỷ đồng nhưng với Vietcombank, BIDV, VietinBank, vốn điều lệ ở mỗi đơn vị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Thế nên, giới hạn 5% của vốn điều lệ xét trên toàn hệ thống là con số rất lớn; do đó, mức này không thể nói là siết, thậm chí còn là minh bạch. Trong khi đó, nguồn kinh doanh cổ phiếu rất phong phú: công ty chứng khoán tự doanh, tiền của người dân chứ không phải chỉ trông ngóng vào tín dụng ngân hàng.
Hơn nữa, giá trị giao dịch trên TTCK hàng ngày chỉ loanh quanh chưa đến 3 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. So sánh giá trị giao dịch nói trên với giới hạn tín dụng được phép cấp cho kinh doanh đầu tư cổ phiếu (5% vốn điều lệ) cho thấy một khoảng cách rất xa; trong khi, quy định của NHNN chỉ hướng vào cổ phiếu nên không thể nói là tác động xấu đến TTCK.
Chưa kể, NHNN cũng tính toán rằng, quy mô tín dụng cấp cho kinh doanh cổ phiếu hiện nay xét trên toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ ở mức 4% vốn điều lệ, nay quy định là 5% vốn điều lệ, lớn hơn 1% so với thực tế thì không thể nói là "thắt".
Mặt khác, hệ số rủi ro cho vay kinh doanh cổ phiếu ở các quy định trước đây (Quyết định 03) là 250% thì nay giảm còn 150%. Nhờ đó, tỷ lệ an toàn vốn được nâng lên theo hướng có lợi cho các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng vào khu vực này. Đó cũng là yếu tố tạo điều kiện góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Tất nhiên, NHNN cũng giới hạn ở một số điều kiện, chẳng hạn, những đơn vị có nợ xấu dưới 3% thì mới được cấp tín dụng đầu tư cổ phiếu và ngược lại. Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được cho vay người liên quan mà luật đã nghiêm cấm...tại điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng. "Quy định này nhằm hạn chế và ngăn ngừa mặt tiêu cực của sở hữu chéo đang gây lo lắng cho cơ quan quản lý cũng như đại biểu Quốc hội hiện nay", ông Huyền Anh khẳng định.
Phản ứng của thị trường chứng khoán
Hai ngày sau khi xuất hiện thông tin "NHNN đã ký ban hành sửa đổi thông tư 13" về vấn đề trên, TTCK đã có phản ứng ngay lập tức. Chỉ số hai sàn giảm khá mạnh. Đặc biệt, ngày 19/11, VN-Index giảm 1%; HNX giảm 0,68%; một số mã cổ phiếu nóng bị gẫy khúc dù đang trong giai đoạn tích lũy để hồi phục.
Trong phần nhận định về diễn biến thị trường, Công ty chứng khoán Tp.HCM (HSC) đưa ra bình luận: "Điều này có thể sẽ gây nên một số tác động tiêu cực ngắn hạn lên thị trường chứng khoán vào thời điểm nào đó. Có thể là các quy định liên quan đến cho vay ký quỹ cũng sẽ thắt chặt. Và nếu như thế thì 5% giới hạn vốn điều lệ trong bản dự thảo này có thể là bản cuối cùng".
Còn theo phân tích của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), với giới hạn cho vay kinh doanh cổ phiếu dưới 5% vốn điều lệ thì những đơn vị có dư nợ vượt quá yêu cầu này sẽ phải bằng mọi cách đưa chỉ số về dưới mức 5% vốn điều lệ. Để đối phó, những ngân hàng này chỉ còn cách là làm phình vốn điều lệ lên nhưng điều này là không tưởng vì tăng vốn phải có một quá trình.
Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng thuộc dạng trên phải hối thúc các khách hàng vay (nhà đầu tư hoặc công ty chứng khoán) trả nợ. Chẳng hạn, SHB đang cho SHS vay để SHS cho vay với các nhà đầu tư; nói cách khác, SHS đang quản lý khoản vay kinh doanh cổ phiếu của SHB thì khi quy định có hiệu lực, SHS phải hối thúc khách hàng bán bớt chứng khoán đang nắm giữ và cổ phiếu nóng sẽ được bán trước. Điều này, sẽ tác động hơi tiêu cực đến thị trường nhưng chỉ trong ngắn hạn; còn trong dài hạn thì hầu như không ảnh hưởng. "Mục đích của quy định này là làm lành mạnh thực tế cho vay chứng khoán hiện nay để lành mạnh hóa thị trường, tiến tới triển khai những sản phẩm mới, mang tính đặc thù như: chứng khoán phái sinh, ETF (quỹ hoán đổi danh mục), một cán bộ của BSC bình luận.
Rất có thể, trước mắt, với quy định mới về cho vay kinh doanh, đầu tư cổ phiếu sẽ làm tổn thương TTCK nhưng về lâu dài, đó là yếu tố cần thiết để tạo lập sự minh bạch trên thị trường, đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư, tiến tới một sân chơi mà ở đó không có những con "cá mập" lũng đoạn thị trường.
(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)