Đóng hàng tỉ đồng để mua nhà, rồi dài cổ chờ đợi hết năm này qua năm khác nhưng vẫn không được nhận nhà trong khi dự án bất động sản vẫn nằm im lìm, cỏ hoang mọc lút đầu. Không ít người mua nhà hoang mang, liệu dự án có tiếp tục thực hiện hay làm thế nào để lấy lại tiền đang là một câu hỏi lớn?
Dân chịu thiệt
Ngay sau vụ việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam, trao đổi với báo chí, ông Lê Sáu, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất (Housing Group) cho biết, chuyện bà Nga bị bắt là cá nhân, huy động vốn sai phải có trách nhiệm trước phát luật. Với cương vị TGĐ, ông Sáu khẳng định sẵn sàn làm điều gì đó để mang lại thuận lợi cho khách hàng.
Liên quan đến những dự án đang thực hiện dở dang, vị Tổng giám đốc cũng cho biết, hiện đã có kế hoạch triển khai. Tại dự án ở Phú Thượng, hiện đã giao trách nhiệm cho ban quản lý dự án và ban quản trị khách hàng để đảm nhiệm triển khai đến khi dự án hoàn thành. Với dự án B5 Cầu Diễn, những vướng mắc về hồ sơ pháp lý thì chúng tôi đang triển khai, nhanh hay chậm còn do sự hợp tác của Thành phố, Sở ban ngành… Ông Sáu còn cho biết thêm: “Sang tuần chúng tôi sẽ họp hội đồng quản trị để cụ thể các kế hoạch công việc.
Người mua nhà biểu tình đòi quyền lợi |
Thực tế, mỗi lãnh đạo chỉ là một cổ đông trong doanh nghiệp, nên khi họ bị bắt, công ty vẫn tiếp tục tồn tại và có trách nhiệm thực hiện tiếp nghĩa vụ của mình với đối tác khác đã ký kết. Tuy nhiên, thông tin của chủ đầu tư đưa ra trong thời điểm này vẫn chỉ "mang tính cam kết", mà khách hàng nói họ đã nghe quá nhiều lần như vậy và không biết khi nào dự án thành hiện thực. Rõ ràng, mọi thiệt hại về thời gian, về tài chính đang đổ hết lên đầu khách hàng, họ đang chờ đợi cơ quan chức năng làm sáng tỏ những sai phạm này.
Theo tư vấn của giới luật sư, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên tiến hành khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, việc đòi lại tiền sẽ không đơn giản, đặc biệt trong trường hợp các DN này tuyên bố phá sản sau khi người đứng đầu bị bắt, khách hàng có thể đứng trước nguy cơ mất trắng.
Ông Trần Thái Bình, luật sư tại LNT& Partners nhận định, tại các dự án có huy động vốn trái phép, một phần nào đó, người mua nhà cũng phải chịu rủi ro trong đó. Theo ông Bình khi mua trước tiên khách hàng phải kiểm tra tính pháp lý của dự án khi sự vụ xảy ra, một phần trách nhiệm thuộc về người mua. “Khách hàng cũng phải chịu rủi ro trong đó, hoàn toàn không thể nhận tiền lại thì ai trả bây giờ, chỉ mong rằng dự án có thể tiếp tục thực hiện”, ông Bình nói.
Liên quan tới vấn đề bảo vệ quyền lợi của mình, ông Bình đưa ra lời khuyên, khách hàng cần xem lại hợp đồng, đây là giao dịch dân sự căn cứ trên hợp đồng, khách hàng có thể liên kết với nhau tạo thành tiếng nói lớn hơn, tạo áp lực với chủ đầu tư và gây sự chú ý với cơ quan chức năng.
Tìm cách giải cứu
Lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp BĐS vướng vòng lao lý, câu hỏi đặt ra hiện nay, giải cứu các dự án này thế nào. Thực tế cho thấy, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.
Theo luật sư Bình, về pháp lý, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện dự án như đã ký kết tuy nhiên, họ có đủ tài chính hay không mới là điều quan trọng. Nếu không đủ năng lực tài chính cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước dựa vào các quy định của pháp luật thu hồi dự án, giao cho bên khác tiếp tục thực hiện.
Khó giải cứu các dự án BĐS |
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho rằng, để tiếp tục thi công, thì phải thu hồi được số tiền thất thoát và yêu cầu chủ đầu tư tập trung mọi nguồn tiền vào hoàn thiện dự án. Không loại trừ khả năng người mua nhà phải thương lượng, bỏ thêm tiền, tức chấp nhận giá mua cao hơn để hoàn thiện. Nếu không được, thì đành phải chấp nhận bán cho chủ đầu tư khác hoặc yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thanh lý dự án, thu về một phần số tiền đã nộp. Ngoài ra, có thể đề nghị Nhà nước xem xét miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế, phí và lệ phí để giảm bớt tổn thất cho người bị hại.
Câu chuyện của các doanh nghiệp BĐS huy động vốn trái phép của dân, còn các dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, vẫn nằm trên giấy cũng được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Luật kinh doanh BĐS sắp có hiệu lực đã có quy định về việc huy động vốn dự án hình thành trong tương lai. Theo đó, các dự án buộc phải có ngân hàng bảo lãnh và được chấp thuận của cơ quan chức năng.
Luật sư Bình cho hay, quyền lợi người mua nhà sẽ được đảm bảo khi có ngân hàng bảo lãnh phía sau, về nguyên tắc chế định bảo lãnh, nếu như bên kia không thể thực hiện đúng theo cam kết thì ngân hàng phải thực hiện bằng cách hoàn trả tiền lại hoặc bằng cách nào đó làm dự án thực hiện xong. Khi ngân hàng đứng ra bảo lãnh, họ sẽ có những cơ chế để bảo vệ cho họ như trong 6 tháng không giao nhà có quyền thanh lý dự án để chuyển cho bên khác thực hiện.
Luật sư Đức đánh giá, qua đây cho thấy lỗ hổng pháp luật và lỗ hổng trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Quy định chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Luật Nhà ở năm 2014 vừa được ban hành sẽ khắc phục được phần nào lỗ hổng này. “Dù luật có tốt bao nhiêu, nhưng cuối cùng, thì vấn đề thực thi mới là quan trọng và quyết định”, ông Đức nói.
Duy Anh