LTS: Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục được Bộ Tài chính đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường ô tô trong nước.

Dưới đây là ý kiến của độc giả- Thạc sĩ Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp, tỉnh Kon Tum gửi đến VietNamNet về vấn đề này:

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến thì dự kiến, lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%, áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết 15/5 năm sau.

Có thể nói, đây là chính sách rất đúng đắn, kịp thời không chỉ nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nối lại chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà quan trọng hơn còn tăng nguồn thu cho ngân sách từ ngành công nghiệp quan trọng này. Theo đó, dù giảm lệ phí dẫn đến giảm số thu nhưng số lượng xe tiêu thụ dự kiến sẽ tăng nên tổng thu ngân sách vẫn tăng lên.

Minh chứng là năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số lượng xe ô tô đăng ký đã tăng gấp đôi nên dù số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước lại tăng gần gấp đôi với 14.110 tỷ đồng.

Thành công từ việc thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ 6 tháng cuối năm 2020 là kinh nghiệm, bài học quý để cơ quan chức năng tham khảo, qua đó sớm có quyết sách tiếp tục triển khai chính sách này trong năm nay.

{keywords}
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang rất mong chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được áp dụng.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Indonesia,... cũng đang áp dụng các chính sách này để ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước tác động của Covid-19. Trong đó có chính sách về giảm lệ phí trước bạ.

Theo quan điểm của người viết, việc giảm lệ phí trước bạ được triển khai "sớm ngày nào tốt ngày đó", mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cả đất nước, nhất là góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra.

Bởi, khi giảm lệ phí trước bạ thì số lượng xe bán ra sẽ tăng, từ đó thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với đó, tỷ lệ thuận với số xe ô tô bán ra thì tổng thu ngân sách nhà nước sẽ tăng theo. Từ đó, đóng góp thêm một nguồn thu ngân sách quan trọng cho đất nước, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải chi quá nhiều cho công tác phòng chống dịch và an sinh xã hội.

Năm 2021 chỉ còn lại hơn 2 tháng, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội có nguy cơ không đạt, đặc biệt là thu ngân sách, chỉ số tăng trưởng kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân... Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 được dự báo không chỉ ảnh hưởng trong năm nay mà còn có thể gây ra hệ lụy tiêu cực, kéo dài vài năm tới đối với ngành nghiệp công sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Do vậy, cần tận dụng tối đa các cơ hội để có thể vừa duy trì chuỗi sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa góp phần tăng trưởng kinh tế là rất cần thiết, cấp bách. Trong đó, việc thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước là rất khả thi, hiệu quả nên cần sớm triển khai ngay.

Độc giả Phạm Văn Chung

Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả. Mời bạn đọc chia sẻ bài viết quan điểm về vấn đề này tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Khách sẵn tiền mua xe, chỉ nóng lòng chờ giảm phí trước bạ

Khách sẵn tiền mua xe, chỉ nóng lòng chờ giảm phí trước bạ

Dịch bệnh dần được kiểm soát, các showroom mở cửa đón khách trở lại, nhiều hãng xe thi nhau tung sản phẩm mới, khuyến mại sâu,... đã giúp thị trường ô tô trong nước những tháng cuối năm nóng lên sau nhiều tháng ảm đạm.