Trước đây, xe bán tải luôn hot tại thị trường Việt Nam nhờ mức giá bán vừa phải cùng các khoản thuế phí thấp hơn xe du lịch.

Đặc biệt là lệ phí trước bạ dành cho dòng xe này trên cả nước cũng chỉ ở mức 2%. Tuy nhiên, sau khi áp dụng tăng phí trước bạ lên đến 3 lần đối với xe bán tải, thị trường phân khúc xe này có phần đi xuống.

Thực tế, phí trước bạ là loại chi phí được tính trực tiếp tới người tiêu dùng, không ảnh hưởng đến giá bán xe niêm yết của các đại lí chính hãng. Tuy nhiên, do tâm lý e dè của người tiêu dùng khi phí trước bạ của xe bán tải chính thức tăng lên mức 6 - 9% đã khiến lượng đơn đặt hàng của mẫu xe này tại phần lớn các đại lý xe trên địa bàn Hà Nội đều có sự tụt giảm đáng kể so với thời điểm trước đó.

Trao đổi với PV xe VietNamNet, anh Phạm Quang Huy, giám đốc kinh doanh đại lý Nissan Hà Đông cho biết: “Việc bán tải tăng phí trước bạ lên đến 3 lần khiến tốc độ bán hàng về mẫu Nissan Navara ở đại lý chậm hơn rất nhiều. Lượng khách đặt hàng giảm hẳn đến 30% và chỉ bằng 70% so với trước đó. Do tâm lý của nhiều khách muốn chạy thuế tăng nên đã cố gắng mua cho bằng được xe trước ngày 10/4”.

Cụ thể, anh Huy cho biết, bình thường trung bình mỗi tuần đại lý tiếp nhận từ 5-8 đơn hàng đặt mua xe bán tải Nissan Navara. Nhưng từ khi áp dụng thuế tăng, số lượng khách giảm, chỉ còn 3 đơn đặt hàng/tuần.

Nhân viên sale tại một đại lý Mitsubishi ở Hà Nội than vãn: “Tăng phí khiến bán tải khó bán hơn hẳn. Lượng khách đặt hàng xe Mitsubishi Triton giảm trông thấy so với những tháng trước đó’. 

Đáng chú ý hơn, mẫu Mazda BT-50 có doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian phí tăng. Anh Việt, quản lý kinh doanh một đại lý Mazda ở Hà Nội cho biết: “Báo cáo của toàn hãng cho thấy, tháng 3, Mazda BT-50  tiêu thụ được 445 xe thì sáng tháng 4, chỉ còn bán được 110 xe, giảm đến 335 chiếc”.

{keywords}
Bán tải Mazda BT-50 có sự sụt giảm nghiêm trọng. 

Một trong những mẫu bán tải hot hiện nay là Toyota Hilux, dù vẫn giữ mức tăng trưởng cao so với cùng kì năm ngoái nhưng theo phản ánh của nhiều nhân viên bán hàng tại các đại lý thì tần suất khách hỏi mua mẫu xe này cũng có phần giảm nhiều so với tháng 3 và những ngày đầu tháng 4. 

"Phí tăng đến 3 lần, nhân viên bán hàng như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng vì không đáp ứng đủ doanh số đại lý đưa ra khi mà đơn đặt mua rải rác. Có tuần tôi còn không bán được chiếc bán tải nào", chị Thủy, nhân viên kinh doanh ở đại lý Toyota Long Biên chia sẻ. 

Trong khi đó, không hổ danh là "vua bán tải", Ford Ranger vẫn bán rất chạy ở các đại lý Hà Nội. Đại diện Ford Pháp Vân, Hà Nội cho biết: "Việc tăng phí bán tải dường như không ảnh hưởng nhiều đến tính hình bán hàng của đại lý. Bởi sau ngày 10/4, đơn đặt hàng Ranger Rover vẫn đổ về khá nhiều nhưng chúng tôi thực sự không có xe để đáp ứng. Phần vì nhiều đơn, phần vì lượng xe vướng mắc trong thủ tục thông quan vẫn còn rất nhiều".

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong tháng 4/2019 cho biết Ford Ranger vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách xe bán chạy trong cùng phân khúc. Cụ thể, với doanh số 438 xe, Ford Ranger có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái - 500%. 

{keywords}
Ford Ranger vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách xe bán chạy trong cùng phân khúc

Về tổng thể, thị trường xe bán tải đã tiêu thụ được 1.147 xe, giảm 41% so với tháng 3, tương ứng 797 xe. Nguyên nhân chính được cho là do sức mua giảm do phí trước bạ tăng cao và khó khăn về kiểm định khí thải, nhiều hãng đợi chờ khi mà cả Việt Nam chỉ có duy nhất một trung tâm kiểm định khí thải đạt chuẩn tại Hà Nội.

Y Nhụy

Sau tăng phí: Tiêu thụ xe bán tải giảm, đại lý không dám nhập hàng

Sau tăng phí: Tiêu thụ xe bán tải giảm, đại lý không dám nhập hàng

Khá nhiều dòng xe bán tải đã có doanh số giảm nhanh sau hơn 2 tuần phí trước bạ bị tăng từ 2% lên 6% và 7,2%.