Ông tơ bà nguyệt se duyên!

Cặp đôi Lý Thu Hạnh (37 tuổi, Trà Vinh) và Lê Chí Công (37 tuổi, quê Bến Tre) có thâm niên chạy thận cùng nhau ở BV Chợ Rẫy gần 10 năm vậy mà chưa hề chạm mặt nhau. Để rồi một ngày nọ, ông tơ bà nguyệt sắp đặt chuyện tình định mệnh giữa hai số phận về bên nhau như câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Ngồi tại căn phòng trọ chật hẹp, chị Hạnh mở màn chuyện tình của anh chị bằng chất giọng đặc sệt miền tây.

{keywords}

Hai vợ chồng anh Công chị Hạnh sống căn trọ nhỏ ở Sài Gòn, mỗi tuần anh chị đến bệnh viện chạy thận 3 lần. Ảnh: Phan Nhơn

“Bữa đó tự dưng ổng đổi ca chạy thận từ ca 1 sang ca 4. Nằm bên cạnh mình có biết gì đâu. Tình cờ có mẹ mình ở đó có đùa vui: “Giờ ai mà lo được cho con gái mẹ là mẹ giao luôn””.

Anh Công lúc này nằm bên cạnh, bật giậy giơ tay: “Dạ con!Dạ con”.

“Chưa dừng lại, ổng còn chủ động xin số điện thoại làm quen, tưởng ổng cà chớn chứ bệnh tật vầy ai nghĩ đâu xa nên cũng cho đại”, chị Hạnh nói.

Nào ngờ kể từ ngày hôm đó anh Công đổi hẳn lịch chạy thận sang cùng ca với chị Hạnh để tiếp cận ý trung nhân. Sau vài lần hẹn hò, đi hát karaoke, đi chơi anh ngỏ lời yêu chị. “Đồng bệnh tương lân” có hoàn cảnh bệnh tật với nhau chưa đầy nửa năm họ dọn về chung sống. Kể từ đó, dù nắng dù mưa anh Công cũng chở chị Hạnh đủ tuần 3 lần đến Chợ Rẫy chạy thận.

Hạnh phúc lứa đôi đến quá nhanh, song ít ai biết rằng để đến được với nhau họ cũng trải qua lắm đoạn trường.

Năm 2004, chị Hạnh mang thai con đầu lòng với người chồng trước, bất ngờ căn bệnh suy thận mạn đổ ập đến. Chị Hạnh sức khỏe yếu, nuôi không nổi cái thai đành phải ngưng. Người chồng cũng chăm nom chị được 1 năm để trọn nghĩa trọn tình. Nhìn cảnh không đành lòng, chị để anh ra đi kiếm hạnh phúc mới, rồi kiếm đường con cái. Cứ thế ở vậy, lùi lũi chữa bệnh, trái tim chị cũng dần dần nguội lạnh và không thể mơ thêm một lần đi bước nữa.

Anh Công chẳng khác gì chị Hạnh, năm 2009 đang chở nước đá bỗng ngất xỉu được người dân đưa vào viện cấp cứu. Bác sĩ bảo anh suy thận giai đoạn cuối. Vợ anh cũng chăm sóc được 6 tháng, rồi anh cũng để vợ tìm phương trời hạnh phúc mới. Anh lại trở về công việc bỏ mối nước đá và đều đặn vào Chợ Rẫy chạy thận.

{keywords}

Sau thời gian chạy thận gặp nhau ở BV Chợ Rẫy, hai con người, hai cảnh ngộ đồng cảm đã đến với nhau bằng một tình yêu giản dị. Một đám cưới không ồn ào, không tấm hình cưới. Ảnh: NVCC

Hai con người cứ ra vào Chợ Rẫy suốt vậy mà đến năm 2015 mới gặp được nhau. Để rồi phút giây anh Công giơ tay xin lo hết phần đời chị Hạnh với mẹ chị nào ngờ là lời tán tỉnh cà chớn nhất mà lại chân phương thật thà nhất.

“Đâu biết gì đâu, mình cũng lỡ một lần đò, ngại gì nữa thấy vậy xuân phong để có người bạn sớm tối cùng nhau chạy thận chung cho vui chứ mấy năm trước đó lầm lũi một mình buồn quá. Ai ngờ được vợ”, anh Công vừa cười tủm tỉm mắt nhìn chị Hạnh khoái chí.

Anh và chị về xin phép gia đình hai bên cho đến với nhau đường đường chính chính, rồi cũng làm mâm cơm nhỏ thắp lên bàn thờ ông bà làm cái lễ ra mắt họ hàng. Một buổi tiệc hỉ giản dị đầm ấm khiến cha mẹ anh chị nghẹn ngào trong hạnh phúc.

Thêm 1 lần tái sinh khi được nhận quả thận hiến tặng

Cặp vợ chồng son trở lại Sài Gòn, ngày ngày anh Công chở nước đá, chị Hạnh ở nhà lo cơm nước cho anh, cuộc sống bình dị cứ trôi theo thời khóa biểu 3 lần/ tuần chạy thận.

Cặp đôi hạnh phúc khiến cả cho những bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy ngưỡng mộ. Chuyện tình của họ phần nào cũng giúp cho những người bệnh thận thêm chút niềm vui, nghị lực trường kì chiến đấu với bệnh tật.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy nhắc đến cặp đôi hoàn cảnh Lý Thu Hạnh và Lê Chí Công bằng một niềm tự hào.

“Chuyện tình hai anh chị này thực sự hiếm hoi từ khi đơn vị thận nhân tạo thành lập. Ai ai cũng biết chuyện tình tình yêu của họ, cả hai có thâm niên trên dưới 10 năm điều trị chạy thận ở khoa. Khi biết tin hai anh chị về với nhau, chúng tôi cũng mừng cho họ, giữa nghịch cảnh bệnh tật ốm đau họ vần mở lòng yêu thương san sẻ nhau. Câu chuyện tình yêu anh chị đôi lúc là thứ chúng tôi thi thoảng đem ra động viên cho những bệnh nhân khác đang bi quan”, bác si Tuấn tâm sự.

Đầu năm 2019, lá bài số phận đã rơi trúng anh Công, cho anh cơ hội được hồi sinh. Một người đàn ông 37 tuổi, không may gặp tai nạn giao thông, tim ngừng đập hiến tặng anh quả thận.

Năm 2012 anh Công được phỏng vấn khảo sát về việc nhận tạng từ người hiến chết não và tim ngừng đập. Đến cuối năm 2019, anh nhớ mình có tờ giấy trên đã đến Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy hoàn tất thủ tục để đưa vào danh sách chờ nhận tạng. Nào ngờ mọi việc chỉ sau 2 tháng lại nhanh đến vậy.

“Chiều hôm đó nghe điện thoại bệnh viện là mình chạy thẳng về nhà kịp tắm thay đồ, dặn vợ vào viện sau. Tôi cứ thế vào viện chứ không suy nghĩ gì. Vì lòng hồi hộp không tin mọi việc lại nhanh đến vậy”, anh Công nhớ lại.

Có 5 người trong danh sách chờ được chọn nhưng chỉ có 2 quả thận. Anh Công là vị trí thứ 3, một người có chỉ số HLA hợp với người cho trên 50% hiển nhiên được chọn, người thứ 2 hợp hơn anh Công thì chần chừ vì quả thận được hiến từ người có tim ngừng đập. Họ sợ thải ghép từ chối nên tấm vé sự sống thuộc về anh Công.

{keywords}

Sau khi được ghép thận anh Công phải hạn chế ra ngoài để tránh ức chế miễn dịch, chị Hạnh vừa chạy thận vừa phải túc trực ở phòng trọ chăm sóc chồng. Ảnh: Phan Nhơn

19 giờ đêm, chị Hạnh nắm tay chồng đẩy chồng vào phòng mổ. Sinh tử với anh Công đơn giản là số mệnh, trời quyết anh cứ lạc quan thế rồi nhắm mắt vào phòng mổ ghép. Chị Hạnh cả đêm ở ngoài đợi chờ trong lo lắng, cầu nguyện cho chồng bình an. “Lúc mổ xong nhìn anh qua tấm kính phòng cách ly, ngón tay anh giơ lên mà tự dưng hai dòng nước mắt chảy dài vậy đó. Vừa khóc vừa mừng”, chị Hạnh nhớ lại.

Đến khi rút ống tiểu, anh Công tự đi tiểu được thì coi như anh chết đi sống lại. Chị Hạnh lúc đó còn ghẹo cả chồng: “Cám giác sau bao nhiêu năm anh tự đứng đi tiểu của một người đàn ông anh có sướng không?". Anh Công đáp: “Anh sướng chứ!”

Với vợ chồng anh Công, nhận được món quà sự sống còn hơn cả trúng số độc đắc. “Người ta bảo trúng Vietlot còn khó chứ tôi nhận được quả thận con hơn cả trúng Vietlot ý chứ. Ghép thận xong tôi gọi đồng đội ở khoa chạy thận khoe rằng “từ nay em có thể đứng tiểu như một người đàn ông đường đường chính chính rồi nhé”, vẫn với cái kiểu đùa cà chớn nhưng rất thật của anh Công.

Vợ chồng anh chị ngồi tính được 1 tháng 20 ngày được ghép thận. Ngồi tâm sự một hồi anh Công trăn trở: “Hôm trước đọc báo, biết ân nhân hiến thận cho tôi có đứa con 4 tuổi. Anh mất đi, để con thơ ở lại, tôi mong ước biết được nhà anh đến tạ ơn, thăm hỏi bù đắp chút gì đó cho con anh ấy”.

Khi chúng tôi hỏi đến anh chị có ước nguyện chị Hạnh cũng được ghép thận, để anh chị còn hi vọng có đứa con vui nhà vui cửa? Chị Hạnh lo sợ việc chạy thận suốt 14 năm sợ sức khỏe suy kiệt lỡ ghép có chuyện gì không thể ở bên cạnh anh Công.

Chị nửa đùa nửa thật bảo: “Giờ chắc lo kiếm vợ cho anh ấy đặng còn kiếm đứa con. Chắc em về ở với mẹ”. Nghe vậy anh gắt giọng: “Mớ gì, bao năm đồng cam cộng khổ, lúc ốm đau đứa này mệt đứa khỏe lo. Rồi đây, anh khỏe sẽ lo cho vợ, đỡ đần cho vợ. Mình có mơ ước gì nhiều, được vầy hạnh phúc rồi không dám mơ xa chuyện con cái”.

Họ cứ lạc quan trong căn phòng trọ chật hẹp, yêu thương vun vén cho chuyện tình vốn bình thường nhưng cũng rất cảm động này.

Phan Nhơn

Những đứa trẻ sống mòn nhờ chạy thận ăn Tết trong viện

Những đứa trẻ sống mòn nhờ chạy thận ăn Tết trong viện

- Hơn 40 đứa trẻ bị suy thận mạn kéo dài sự sống nhờ chạy thận nhân tạo phải đón Tết trong bệnh viện. Có những bệnh nhi đón 13 cái Tết liền trong viện.