Trong bối cảnh sống chung với Covid-19, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đánh giá, việc cho mở dịch vụ quán ăn tại chỗ là hợp lý để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên quan trọng nhất là người dân cần có ý thức để bảo vệ bản thân phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.

Khi đến hàng quán, theo BS Khanh, người dân dù đi một mình hay đi cả gia đình đều nên chọn chỗ ngồi có khoảng cách với những nhóm người khác. “Mọi người nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2m hoặc thuê phòng riêng. Nhân viên phục vụ cũng phải yêu cầu phải đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo an toàn”, BS Khanh nói.

{keywords}
Người dân TP.HCM trong ngày hàng ăn uống được phép mở bán tại chỗ sau hơn 4 tháng dừng hoạt động.

Ngoài việc phải giữ khoảng cách với bàn bên, người đến quán cũng thường xuyên đeo khẩu trang trừ lúc ăn, uống. Khi bước ra khỏi khu vực bàn mình, bạn cũng ngay lập tức phải đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm.

Tại các hàng quán có trang bị nước rửa tay nhưng người dân cũng được khuyến khích mang theo nước rửa tay riêng để sử dụng. Theo BS Trương Hữu Khanh, virus SARS-CoV-2 lây từ người qua người nếu tiếp xúc gần. Bên cạnh đó khi virus tồn tại trên bề mặt như bàn, ghế… người dân chạm tay vào và đưa lên miệng, mũi sẽ gây ra lây nhiễm vì vậy điều quan trọng nhất vẫn là đeo khẩu trang, hạn chế đưa tay lên mũi miệng, giữ khoảng cách và thường xuyên rửa tay.

Ngoài ra, trước lo lắng của người dân về nguy cơ lây qua việc trả tiền với chủ hàng quán, bác sĩ này chia sẻ, nên rửa tay sát khuẩn sau khi giao nhận tiền. Đồng thời nếu có thể người dân nên dùng hình thức chuyển khoản online để hạn chế tiếp xúc.

Tại công ty, cơ quan, người dân cũng phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc 5K, trong đó lưu ý nhất là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. “Đồng thời, bạn nên hạn chế ăn uống chung với đồng nghiệp ở công sở vì bạn không thể kiểm soát được người ta đã đi đâu, tiếp xúc với ai”.

Theo BS Khanh, khi bạn muốn đến địa điểm, khu vực nào để tham gia các công việc bạn nên xác định những người mình sắp gặp gỡ đã được tiêm đủ vắc xin hay chưa. Việc tiêm vắc xin, không thể hạn chế tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nhưng nó giúp giảm bớt khả năng chuyển nặng ở người bệnh.

“Bản thân mình ra đường, đi đâu về đâu cũng luôn hình dung trong đầu mình phải là người an toàn khi trở về gia đình, muốn đi thăm một người họ hàng nào đó phải biết chắc các thành viên trong họ hàng đó đều an toàn. Nếu muốn vào cơ quan sinh hoạt, làm việc thì phải đảm bảo tất cả những thành viên trong cơ quan đó đều an toàn”, BS Khanh nói.

Cũng theo bác sĩ, virus này chỉ lây từ người sang người và qua trung gian bàn tay hoặc lây trực tiếp qua đường hô hấp. Trước khi đi ra ngoài, bạn nên xác định trong gia đình mình có người có nguy cơ hay không. Ví dụ trong nhà có người già chưa tiêm vắc xin, bạn nên hạn chế đi lại, hạn chế ra ngoài tiếp xúc để bảo vệ cho người thân. “Mình đi đâu là vấn đề của mình nhưng phải có ý thức bảo vệ ở người nhà – nhất là những người bệnh nền hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ”.

Bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh, không thể đảm bảo an toàn một cách tuyệt đối nhưng người dân nên nâng cao ý thức khi đến các nơi công cộng.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn để phòng chống Covid-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Người phụ vụ bán hàng không đi làm khi đang trong giai đoạn cách ly tại nhà hoặc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

Người bán hàng phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc vệ sinh tay với dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi đến làm việc và sau khi ra về. Đồng thời, không bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng (nếu có thể), giữ khoảng cách khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn, chủ cơ sở, chủ cửa hàng phải khuyến khích việc thực hiện đo thân nhiệt cho khách hàng, nhân viên phục vụ, người bán hàng khi vào cơ sở ăn uống.

Yêu cầu nhân viên phục vụ, người bán hàng phải đeo khẩu trang. Bố trí ngồi giãn cách tối thiểu 1m hoặc so le, hạn chế ngồi trực diện; khuyến khích lắp đặt vách ngăn tại các bàn ăn uống, quầy thanh toán...

Nhà hàng phải vệ sinh, khử khuẩn đối với bàn ăn, vách ngăn sau mỗi lượt khách hàng sử dụng; đối với ghế ngồi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, các đồ vật, sàn nhà, khu vệ sinh.... tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cần thiết. Có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng khách hàng và được lau rửa vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng nếu sử dụng lại.

Đồng thời, nhà hàng bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí thuận tiện, xà phòng tại các khu vệ sinh; Bố trí đủ thùng đựng rác, chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.

Bộ cũng khuyến cáo, các chủ cơ sở phải phối hợp với các cơ quan y tế và chính quyền sở tại triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Ngọc Trang

Người Sài Gòn sảng khoái ăn hủ tiếu, nhâm nhi cà phê ngày đầu bán tại chỗ

Người Sài Gòn sảng khoái ăn hủ tiếu, nhâm nhi cà phê ngày đầu bán tại chỗ

Người dân TP.HCM sảng khoái ăn phở, hủ tiếu nóng, nhâm nhi ly cà phê trong ngày đầu hàng ăn uống được phép mở bán tại chỗ sau hơn 4 tháng dừng hoạt động.