Liên tiếp gần 1 tháng nay, miền Bắc luôn trong tình trạng nắng nóng gay gắt, mức nhiệt ban ngày thường xuyên ở mức 38-41 độ C. Nắng nóng làm gia tăng các trường hợp nhập viện vì hô hấp, sốc nhiệt và đột quỵ.

Tại BV Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám và cấp cứu tăng 150% so với bình thường, trong đó có nhiều trường hợp bị đột quỵ nặng, dẫn tới hôn mê.

BS Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương cho biết, ngoài những nguyên nhân do trực tiếp làm việc, đi dưới trời nắng lâu, việc sử dụng điều hoà sai cách cũng là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ với 2 sai lầm phổ biến.

{keywords}

Bác sĩ khuyến cáo các gia đình không nên để nhiệt độ điều hoà quá thấp để tránh bị đột quỵ

 

Trường hợp thứ nhất, ngủ ở phòng có nhiệt độ điều hoà quá thấp so với nhiệt độ thực tế bên ngoài, gây ra tình trạng co mạch làm huyết áp tăng cao kịch phát, dẫn tới đột quỵ. Người bệnh ngủ dậy có thể bị méo miệng, liệt nửa người.

Tại BV Bạch Mai từng cấp cứu cho bệnh nhân nữ Nguyễn Thị X., 54 tuổi, ở Hà Nội bị đột quỵ chảy máu não do ngủ trong phòng điều hoà 20 độ C cả đêm. 5h30 sáng, khi vừa bước ra khỏi phòng ngủ để đánh răng, bà X. đột nhiên ngã quỵ, sau đó hôn mê sâu, huyết áp tăng cao.

Trường hợp thứ 2, bệnh nhân có thể bị đột quỵ khi vừa đi ngoài trời nắng nóng về, cơ thể chưa ráo mồ hôi đã đột ngột vào phòng điều hoà lạnh ngồi. Thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến huyết áp tăng cao, gây đột quỵ.

“Sử dụng điều hoà sai cách rất nguy hiểm, đặc biệt với người già, người cao tuổi. Do đó nếu người dân đột ngột thấy méo miệng, yếu chân tay, tiểu không tự chủ, thậm chỉ chỉ đau đầu, choáng váng… cũng cần đi khám ngay để loại trừ tai biến mạch máu não”, BS Vân Anh khuyến cáo.

Để tránh đột qụy khi dùng điều hoà, BS Vân Anh khuyên người dân không nên để nhiệt độ điều hoà quá thấp, mức lý tưởng là từ 26-28 độ C, để tránh chênh lệch quá mức với nhiệt độ môi trường.

Ngoài ra, trong quá trình bật điều hoà, các gia đình nên bật thêm quạt gió giúp không khí lưu thông.

Khi bật điều hoà, thay vì sử dụng chế độ làm khô nên sử dụng các chế độ khác để hạn chế các bệnh về da, hô hấp.

Để tránh thay đổi nhiệt độ quá mức, khi đi ngoài nắng về, không nên vào phòng lạnh ngay, thay vào đó cần ngồi quạt, mở cửa phòng để cơ thể mát từ từ, kết hợp các bài tập cổ nhẹ nhàng hoặc đi lại trong phòng nhiệt độ thường trước khi bước vào phòng điều hoà.

Tương tự, nếu đang ở phòng điều hoà, không đột ngột bước ra ngoài ngay, nên tắt điều hoà 15-30 phút để cân bằng nhiệt độ trong phòng và bên ngoài.

Khi nằm trong phòng điều hoà, da, niêm mạc mũi thường xuyên bị khô nên cần thường xuyên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước biển sâu để làm ẩm, sạch mũi, tránh hơi lạnh lọt vào đường hô hấp gây viêm họng, viêm phổi.

Trong những ngày nắng nóng, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần uống đủ nước, bổ sung nước ngay cả khi không khát, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Riêng người cao tuổi, không tự đi xe máy ra ngoài đường từ 10h - 16h hàng ngày do nhiệt độ mặt đường rất cao, nguy hiểm. Nếu người trên 75 tuổi, tuyệt đối không ngồi sau xe máy trong những ngày nắng nóng, bất kể khu giờ nào.

Thúy Hạnh

Đi bộ dưới nắng nóng, thanh niên 20 tuổi nguy kịch phải thở máy

Đi bộ dưới nắng nóng, thanh niên 20 tuổi nguy kịch phải thở máy

Đang đi bộ dưới trời nắng, nam thanh niên đột nhiên thấy lả dần, ý thức chậm đi rồi hôn mê, được chuyển vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.