Bệnh nhân đặc biệt

Đã quá quen với mùi của bệnh phòng, với lịch thăm khám bệnh nhân mắc Covid-19 liên tục, 3 tuần nay, BS N.X.T, khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đứng ngồi không yên khi thấy đồng đội vẫn “chiến đấu” ngoài kia, còn bản thân anh mắc kẹt trong 4 bức tường.

Từ ngày 23/3 đến nay, từ thầy thuốc điều trị cho bệnh nhân, BS T. bất đắc dĩ trở thành bệnh nhân Covid-19.

“Những ngày này len lỏi khắp cơ thể là cảm giác bứt rứt, bí bách vô cùng khi thấy mình có vũ khí để chiến đấu mà phải ngồi bất động trong căn phòng cách ly”, BS T. chia sẻ.

BS T. cho biết, ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, toàn bộ y bác sĩ của khoa đã nhận được lệnh, chia làm nhiều đội để sẵn sàng tiếp ứng. Khi 16 bệnh nhân giai đoạn 1 của dịch lần lượt ra viện, anh em toàn viện tạm thở phào nhưng thư thả chưa lâu, bắt đầu từ ngày 5/3, cả nước bước vào giai đoạn mới của chiến dịch chống Covid-19.

{keywords}

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn hỏi thăm sức khoẻ bác sĩ T. tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TB

 

Cũng từ đầu tháng 3, BS T. cùng gần 30 đồng nghiệp kéo vali sang cắm chốt ở cơ sở 2 của bệnh viện.

Ban đầu chỉ có 1-2 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày nhưng sau đó tăng rất nhanh, cao điểm như ngày 22/3 có tới 8 bệnh nhân chuyển vào BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Sự vất vả của các y bác sĩ cũng theo đó tăng thêm gấp bội.

Cả ngày quay cuồng khám, theo dõi các chỉ số cho bệnh nhân, bản thân BS T. không nhớ nổi đã có bữa cơm nào đúng giờ và có bao đêm được ngủ tròn giấc.

Công việc cứ thế cuốn đi trong suốt gần 3 tuần, đến ngày 22/3, BS T. đột nhiên thấy họng đau rát. Đã thuộc lòng những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh nên anh lập tức báo đồng đội, thực hiện tự cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Ngày hôm sau, anh nhận được kết quả khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành bệnh nhân thứ 116.

Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng thời khắc biết mình là nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam mắc Covid-19 vẫn khiến anh khựng lại giây lát. Nhưng rồi rất nhanh, anh bình thản bước nhanh về khu vực có tấm biển cách ly.

“Khi làm việc, anh em chúng tôi vẫn nói vui với nhau, đen thì chịu thôi. Bước chân qua cánh cửa phòng bệnh nhân, chúng tôi hiểu sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Mình biết điều đó để xác định tâm lý cho bản thân. Đây là nghề nghiệp, là công việc mình đã chọn, đã chấp nhận nguy cơ, sẵn sàng đối mặt nên khi biết mình mắc Covid-19, tôi không nghĩ quá nhiều”, BS T. tâm sự.

Tuy nhiên có một điều khiến anh thật sự lo lắng, trăn trở là sợ lây nhiễm cho đồng nghiệp.

{keywords}

Những bữa cơm ngon mắt tại bệnh viện

 

BS T. cho biết, một ngày làm quá nhiều nên không thể nhớ nổi mình sơ suất ở đâu nên thực sự rất lo cho mọi người cùng khoa.

“Do nghỉ ngơi cùng khu nên tôi lo virus bám trên các bề mặt như tay nắm cửa, mặt bàn, vật dụng… nhưng chưa được khử khuẩn thì có nguy cơ lây cho những y bác sĩ khác. Hôm đầu tiên, tôi không thể ngủ và cứ thấp thỏm suốt những ngày sau đó”, BS T. nhớ lại.

Anh cũng không dám báo tin dữ với bố mẹ vì sợ mọi người lo lắng. Mãi sau này, khi đọc tin trên báo, bố mẹ mới hay tin. Chỉ khi con trai trấn an: “Con vẫn ổn, sức khoẻ không có gì đáng lo, bố mẹ cứ yên tâm”, ông bà mới tạm thở phào.

Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng

Ngày đầu ở phòng cách ly, tình trạng đau họng của BS T. tiếp tục tăng kèm sốt nhưng không quá 38 độ. 4-5 ngày kế tiếp, toàn thân anh mỏi nhừ, không buồn nhúc nhích.

Virus cũng tấn công vào phổi khiến anh bị viêm phổi nhẹ. Dù mỏi, dù mệt nhưng bữa nào anh cũng cố ăn hết suất cơm để lấy sức chiến đấu với virus, hy vọng mau khoẻ để được ra ngoài sát cánh cùng đồng nghiệp.

“Đây là lần đầu mình trở thành bệnh nhân nhưng lần này, có lẽ mình là bệnh nhân đặc biệt hơn những người khác một chút nên nhận được rất nhiều yêu thương, động viên từ các anh chị em trong viện”, BS T. xúc động nói.

{keywords}

Nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu bón cơm cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp

 

Chia sẻ về quá trình làm việc tại khoa, BS T. cho biết, ban đầu ít bệnh nhân, mỗi ngày 1 bác sĩ phụ trách nhưng từ khi có bệnh nhân 17, phải chia 3 ca/ngày, mỗi ca 1 bác sĩ, 3 điều dưỡng. Khi cần kíp sẽ có thêm 1 bác sĩ vào hỗ trợ, số còn lại hỗ trợ ở bên ngoài.

“Chúng tôi phải chia như vậy để tiết kiệm đồ bảo hộ nhất có thể, đề phòng tình huống dịch căng thẳng hơn ở giai đoạn sau và phòng tình huống nhiều bác sĩ nhiễm vẫn còn người làm. Thời điểm đầu tháng 3, lúc đó nguy cơ thiếu khẩu trang vẫn rất cao do thiếu nguyên liệu”, BS T. kể.

Để tiết kiệm đồ bảo hộ, nhân viên y tế trong khoa tranh thủ uống nước rồi đi vệ sinh luôn, tránh phải thay bộ mới hoặc cố nín tiểu đợi hết ca.

“Cứ thế, chúng tôi chia nhau ra làm, vừa làm vừa mò mẫm, vừa rút kinh nghiệm vì đây là bệnh mới, chưa có thuốc đặc trị”, BS T. nói.

BS T. kể, do mỗi ngày rửa tay bằng cồn sát khuẩn đến vài chục lần nên tay ai cũng tróc hết da.

Sau ca trực, bản thân anh chưa có vợ con đỡ hơn, nhưng rất nhiều anh chị có con nhỏ đã nhiều tuần chưa được về nhà, nhớ con chỉ dám gọi điện chốc lát để nhìn, hỏi han con vài câu rồi lại quay vào với bệnh nhân, vừa đi vừa rơm rớm nước mắt, rất thương.

{keywords}

Trong những trường hợp khẩn cấp, sẽ có thêm nhiều y, bác sĩ vào hỗ trợ cấp cứu cho bệnh nhân

 

“Dù vất vả là thế, nguy cơ là thế nhưng tất cả anh em trong khoa chưa ai rời vị trí. Chúng tôi xác định đây công việc của mình, mình phải chiến đấu đến cùng”, BS T. chia sẻ.

BS T. mới đây đã được công bố khỏi bệnh, đang cách ly thêm trước khi trở về khoa làm việc.

Khi hay tin này, BS Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp đã bật khóc vì vui mừng.

"Suốt 2 tuần điều trị, tôi chưa thấy bạn ấy than thở hay lo bệnh mình sẽ nặng lên. Trái lại, lúc nào bạn ấy cũng áy náy vì đã không tự bảo vệ được bản thân nên thường xuyên hỏi han đồng nghiệp có ai bị lây không”, BS Mai chia sẻ.

Thúy Hạnh