Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hàng loạt chương trình hiến máu bị hủy bỏ, nhiều người dân e ngại đi hiến máu vì lo sợ lây nhiễm. Các bệnh viện, nhất là bệnh viện địa phương hiện rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng do nguồn cung từ các tuyến không còn.

Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bác sĩ Bùi Thị Lan, Trung tâm Huyết học – Truyền máu chia sẻ, thời gian gần đây, kho máu dự trữ của bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng.

Trung bình 1 tháng, bệnh viện cần khoảng 1500 đơn vị máu cho điều trị cũng như cấp cứu. Tuy nhiên hiện tại, tổng tất cả các nhóm máu chỉ còn vẻn vẹn chưa đầy 100 đơn vị.

Hiện việc điều trị cho các bệnh nhân mắc ung thư máu, tan máu bẩm sinh, các bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, suy thận mạn hay các trường hợp cấp cứu gặp rất nhiều khó khăn bởi không có chế phẩm nào thay thế được máu.

{keywords}

Bệnh nhân tan máu bẩm sinh ở Thái Nguyên - Ảnh: Vương Tuấn

Nhiều tháng nay, các bác sĩ chủ yếu kêu gọi nguồn hiến từ người nhà bệnh nhân. Thế nhưng thực tế, bác sĩ Lan cho biết, việc này chỉ mang tính “cầm cự” bởi phải sau 3 tháng, một người mới có thể hiến máu nhắc lại, trong khi hàng tuần, hàng tháng, các bệnh nhân mạn tính đều cần truyền máu.

“Lượng người nhà có thể huy động hiến đang dần hết. Chưa kể, nhiều bệnh nhân tan máu bẩm sinh thì bố mẹ, người thân cũng có gene bệnh nên không thể hiến máu.

Chúng tôi hiện phải cố gắng huy động từng ngày để “cầm cự” lượng máu. Nếu trước đây truyền để nâng huyết sắc tố của bệnh nhân lên 10g/l thì bây giờ chỉ nâng được 8g/l đã là cố hết sức”, bác sĩ Lan chia sẻ.

{keywords}

Nhiều người bệnh cần truyền máu và các chế phẩm máu thường xuyên.

Ảnh Công Thắng

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, BSCKI Trần Thị Hảo, Phụ trách Khoa Huyết học – truyền máu cho biết, các bác sĩ cũng đang phải sử dụng máu rất dè sẻn, cân nhắc ưu tiên cho những bệnh nhân nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng được truyền máu trước.

Nguồn máu chính mà bệnh viện tiếp nhận để phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Tuy nhiên do dịch bệnh, nhiều tuần nay, đơn vị này không còn đủ nguồn máu để gửi lên cho địa phương.

“Kho máu trong bệnh viện đã cạn kiệt, chúng tôi cố gắng huy động người hiến nhưng cứ có 1 - 2 đơn vị máu tình nguyện thì lại có người bệnh chờ sẵn nên không thể đủ máu dự trữ”, bác sĩ Hảo thông tin.

Với nguồn hiến từ người nhà bệnh nhân, bác sĩ Hảo cho biết, do người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc, hoàn cảnh rất khó khăn, bị thiếu máu lâu ngày, lại thêm nhiều bệnh nền nên chất lượng máu hiến không đảm bảo. Đôi khi, các bác sĩ phải lựa chọn tới 10 người nhà mới có 1 người đủ tiêu chuẩn hiến.

Hiện tại, với các trường hợp cấp cứu, ngoài lựa chọn từ người thân bệnh nhân, kêu gọi trên mạng xã hội, y bác sĩ của bệnh viện đôi khi bắt buộc phải tham gia hiến máu để cứu người. Những trường hợp mắc bệnh mãn tính, bệnh nhân vẫn đang chờ từng ngày để có máu truyền, nhiều người phải xin về vì không thể chờ đợi.

Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh trước nay phụ thuộc vào 3 nguồn cung máu là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Bác sĩ CKII Đinh Thị Lan Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ, thời điểm này, tất cả nguồn cung đang gặp khó khăn nên bệnh viện phải huy động người nhà và nhân viên y tế tham gia hiến máu.

Do Bệnh viện Bãi Cháy không có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom máu, đơn vị phải gom người hiến lại, chở tới nơi gần nhất là Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí lấy máu, sau đó đem ngược trở lại để cấp cứu, điều trị.

“Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi, nhất là với những trường hợp phải cấp cứu. Bởi vậy, nếu gặp tình huống gấp mà không còn máu dự trữ, chúng tôi phải tính kỹ giữa phương án chờ máu hoặc chuyển bệnh nhân tới những đơn vị có đủ máu, đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh”, bác sĩ Oanh nói.

Để có nguồn máu dự trữ, các cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện đã hiến máu theo từng đợt, bổ sung cho kho máu.

“Bệnh viện đang nỗ lực hết sức để tránh tình trạng bệnh nhân đến viện cấp cứu nhưng không có máu sẽ rất nguy hiểm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ.

Tuy nhiên, số máu thu được vẫn rất ít so với nhu cầu cấp cứu. Với những trường hợp bệnh mãn tính, cần truyền máu định kỳ, người bệnh vẫn đang phải tạm thời phải trì hoãn điều trị để chờ máu.

Nguyễn Liên

Nghị lực của người phụ nữ 11 năm ung thư máu, 2 lần bị trả về

Nghị lực của người phụ nữ 11 năm ung thư máu, 2 lần bị trả về

11 năm mắc trọng bệnh, chị Thắm đã không ít lần trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh. Thế nhưng, chị vẫn luôn sống tích cực, mạnh mẽ và có khát khao lan tỏa tình yêu thương.

 

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.