Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chùm ca bệnh mới ở Hải Dương, Quảng Ninh có đặc thù diễn biến lây rất nhanh, là chùm lây lan trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay. “Đây là thách thức lớn cho hệ thống y tế Việt Nam”, ông Khuê nói.

PGS Khuê nhấn mạnh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cố gắng trong 10 ngày có thể khoanh vùng, dập dịch. Bởi vậy, bên cạnh công tác dự phòng, công tác khám chữa bệnh cũng phải làm thật tốt.

Ông Khuê yêu cầu các bệnh viện cần rà soát lại toàn bộ việc phân luồng, phát hiện, cách ly ca nhiễm, xét nghiệm và tổ chức điều trị. Tất cả phòng khám ngoài công lập cũng cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện ca nghi nhiễm phải báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương để lấy mẫu bệnh phẩm.

“Chúng ta không thể xét nghiệm hết tất cả 100 triệu người dân Việt Nam, bởi vậy không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19”, PGS Khuê cho hay.

{keywords}
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Ảnh: Quang Hùng

Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu các cơ sở y tế sàng lọc, phân luồng người bệnh ngay khi bước chân vào cổng viện. Bệnh nhân không được vào nhà trung tâm, khu vực phòng khám khi chưa sàng lọc Covid-19.

Nếu không đủ điều kiện khám sàng lọc, cách ly, không được giữ bệnh nhân mà phải hướng dẫn để người bệnh hiểu, tự giác đến nơi có đủ điều kiện. Đồng thời, đơn vị y tế phối hợp với CDC địa phương để xét nghiệm sớm cho tất cả ca nghi nhiễm.

Về công tác tổ chức điều trị, ngành y tế các tỉnh được yêu cầu phân luồng bệnh nhân nặng và bệnh nhân không có diễn biến nặng. Đối với ca nhẹ hoặc không có triệu chứng, hoàn toàn có thể giữ bệnh nhân điều trị ở tuyến huyện.

“Việt Nam hiện có 645 bệnh viện tuyến huyện. Theo các số liệu thống kê trước nay, 80% các ca Covid-19 đều có diễn biến nhẹ, 10% phải thở oxy, 5% phải thở máy và 3% chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Chúng ta cần phân luồng ca nặng - nhẹ, từ đó xác định tuyến điều trị”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.

Với vấn đề về kiểm soát nhiễm khuẩn, nên đặc biệt chú ý tới việc chống lây nhiễm chéo cho cán bộ, nhân viên y tế. Bộ phận tiếp xúc ban đầu với người bệnh và các bác sĩ trực tiếp điều trị cần được cung cấp đủ quần áo, khẩu trang, mũ, kính và các điều kiện phòng hộ khác.

“Chúng ta phải quyết liệt ngay từ đầu, không vì sợ thiếu vật tư mà để ảnh hưởng đến cán bộ y tế. Không có thầy thuốc sẽ không ai điều trị cho bệnh nhân”, ông Khuê chia sẻ.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị ngành y tế các địa phương cần xem xét lại trang thiết bị, máy móc, máy thở, các thuốc men dự trữ, yêu cầu hỗ trợ nếu cần thiết. Bên cạnh đó, thiết lập sẵn các phương án về điều trị tại địa phương để đáp ứng với từng tình huống.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, các cơ sở y tế cần đặc biệt nâng cao cảnh giác bởi rất có khả năng người từ ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh tới khám, chữa bệnh. Chiều nay, Bệnh viện Bạch Mai đã có báo cáo về một trường hợp từ Quảng Ninh đến thăm khám và thuê phòng trọ tại quận Cầu Giấy.

“Tất cả bệnh nhân từ Quảng Ninh, Hải Dương tới các cơ sở y tế đều phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thúy Hạnh - Nguyễn Liên

Hải Dương cấp tốc lập 3 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Hải Dương cấp tốc lập 3 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Các bệnh viện dã chiến được đặt tại Trung tâm y tế Thành phố Chí Linh, Trường Đại học Hải Dương và Nhà thi đấu tỉnh Hải Dương.