Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021-2022.
Tuy nhiên tùy theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc xin, kế hoạch này sẽ được cập nhật.
Đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 4/2022
Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, vắc xin ngừa Covid-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin qua nhiều kênh, đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ nhiều nguồn cung ứng được cam kết phân bổ cho Việt Nam, trong đó có khoảng 5 triệu liều vắc xin là quà tặng.
Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 tiêm tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên và phủ được 70% vào tháng 4/2022 để đạt miễn dịch cộng đồng.
Chiến dịch tiêm chủng sẽ được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc từ tháng 7/2021 với khoảng 19.000 điểm tiêm chủng tại các cơ sở công lập và tư nhân, trong và ngoài ngành y tế.
Do số lượng tiêm lớn, Việt Nam huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia, từ y tế, công an, quân đội, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…
Trong bối cảnh hiện tại, vắc xin được ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thảnh phố:
Nhóm 1, các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch.
Nhóm 2, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ.
Nhóm 3, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.
Nhóm 4, các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
16 đối tượng tiêm chủng, trên 65 tuổi vẫn được tiêm
Việt Nam tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi và cả người trên 65 tuổi (trước đây không có chỉ định tiêm cho nhóm này). Mục tiêu bao phủ trên 90% mũi tiêm cho các nhóm đối tượng có chỉ định tiêm.
Đặc biệt, Việt Nam ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.
Cụ thể, sẽ có 16 nhóm được ưu tiên, bao gồm:
1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm công lập và tư nhân
2. Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo chống dịch, làm việc tại khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…)
3. Lực lượng quân đội
4. Lực lượng công an
5. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài, người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
6. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
7. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước
8. Giáo viên, học sinh, sinh viên, lực lượng bác sĩ trẻ, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc nhiều người.
9. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi
10. Người sinh sống tại các vùng dịch
11. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội
12. Người được cơ quan có thẩm quyền cửa đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam
13. Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, dược, vật tư y tế…, cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.
14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo
15. Người lao động tự do
16. Các đối tượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Y tế hoặc chủ tịch UBND các tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin.
Xếp lịch tiêm theo giờ
Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm. Khi đủ vắc xin, cần thông báo cho người tiêm đăng ký trước.
Người dân thực hiện ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử trên điện thoại.
Về việc vận chuyển vắc xin sẽ do Bộ Quốc phòng phối hợp với Dự án tiêm chủng mở rộng đảm trách. Vắc xin trong toàn bộ quá trình vận chuyển phải đảm bảo giữ từ 2-8 độ C.
Thời gian vận chuyển không quá 3 ngày sau khi có giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin.
Trong đó các vắc xin đã bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ, không được đưa về bảo quản ở nhiệt độ âm.
Riêng vắc xin Sputnik V phải bảo quản ở nhiệt độ -25 đến -15 độ C, khi phát đến các điểm tiêm chủng phải sử dụng đá khô để bảo quản. Sau khi rã đông, vắc xin không dùng hết phải hủy bỏ.
Bộ Y tế yêu cầu có ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng. Mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh để tối thiểu 5 giường trống để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.
=>> Thông tin về vắc xin Covid-19 mới nhất.
Thúy Hạnh
Phụ nữ mang thai, cho con bú có được tiêm vắc xin Covid-19 không?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng Bộ Y tế vừa xây dựng Infographic giải đáp 4 thắc mắc thường gặp liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin Covid-19.
- (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).