Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, người này là bệnh nhân 1958, tên N.T.K., sinh năm 1973, có địa chỉ tại ngõ 86 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, là vợ của ca nhiễm số 1866.
Trước đó, bệnh nhân lây bệnh từ chồng, được CDC Hà Nội ghi nhận dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 5/2, chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội.
Sau khi có đủ số lần âm tính, đáp ứng tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh của Bộ Y tế, bệnh nhân ra viện vào ngày 27/2. Sau đó, người này tiếp tục cách ly tại nhà.
Ngày 1/3, bệnh nhân 1958 được lấy mẫu sau ra viện lần 1, có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Thông tin về trường hợp này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho hay, bệnh nhân tái dương tính trong quá trình tự cách ly tại nhà nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Trước đó, ngày 25/2, Hà Nội cũng ghi nhận 1 trường hợp tái dương tính SARS-CoV-2 sau khi xuất viện. Người này là bệnh nhân 1819, tên Đ.T.L., sinh năm 1973, có địa chỉ tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy. Bệnh nhân ra viện ngày 21/2, tới ngày 25/2 nhận kết quả tái dương tính.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, bản chất của phương pháp xét nghiệm RT-PCR là chỉ lấy 1 đoạn mồi để phát hiện gen của virus SARS-CoV-2. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, khoảng 98% trong khi phương pháp xét nghiệm này chỉ phát hiện mật mã di truyền của con virus chứ không thể phát hiện toàn bộ virus.
Giả thuyết đặt ra là các test dương tính kia đã phát hiện những phần, mảnh của ARN của virus, có thể coi là xác virus trong qúa trình cơ thể thải loại.
GS Kính cho biết thêm, theo dõi về mặt dịch tễ ở cả trong và ngoài nước với những ca tái dương tính trở lại, không phát hiện sự lây nhiễm cho bất cứ người nào, dù một số bệnh nhân đã có tiếp xúc với người thân trong khi về cộng đồng cách ly.
Nguyễn Liên
Vắc xin một liều sẽ làm thay đổi chiến dịch tiêm chủng
Những ưu điểm của vắc xin Johnson & Johnson sẽ giúp người dân trên khắp thế giới có cơ hội tiêm chủng nhanh hơn nhiều.